“Chị Trinh luôn gần gũi, hiểu và thương chị em nghèo ở vùng biển. Nếu không có chị ấy đứng ra bảo đảm, chắc là hội cũng ngại cho chị em ở khu phố Lê Duẩn vay vốn”, Chủ tịch Hội LHPN phường 6 Nguyễn Thị Bé nói về chị Hồ Thị Trinh, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) khu phố Lê Duẩn với đầy sự tin yêu, quý mến.
Chị Trinh là một phụ nữ còn khá trẻ, nhanh nhẹn và nhiệt thành. Nói về chuyện đứng ra “bảo đảm” cho chị em trong khu phố Lê Duẩn vay vốn, chị tỏ bày: “Phần lớn chị em sống ở đây không ai khá giả. Trước nay muốn có vốn liếng làm ăn, nuôi con cái học hành nhiều chị phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao. Một số chị vay 1 triệu đồng mà 1 tháng phải trả tiền lãi vài chục nghìn đồng, thậm chí 100.000 đồng; trong khi vay vốn ưu đãi của Nhà nước cũng với số tiền đó nhưng 1 tháng chỉ trả lãi vài nghìn đồng. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ phải vận động thuyết phục chị em vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và trả vốn theo đúng thời hạn”. Theo chị Trinh để lấy “chữ tín” với hội, bản thân chị luôn gần gũi, nhỏ to tâm sự với các đối tượng vay vốn để họ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả và đặc biệt là trả vốn và lãi theo đúng thời gian quy định. “Đứng ra tín chấp cho chị em vay vốn, tôi cũng lo lắm. Lo vì sợ một số người sau khi vay vốn không chịu khó làm ăn, chây ì, không chịu trả vốn cho Nhà nước. Nhưng sau đó tôi nghĩ, “mình thương và lo cho họ như vậy, chẳng lẽ họ lại phụ tấm lòng của mình” nên lại tiếp tục công việc”, chị Trinh tâm sự.
Thời gian đầu, tổ TK&VV do chị Trinh làm tổ trưởng chỉ có 17 thành viên, bây giờ con số này đã lên đến hơn 40 chị. Chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ, một trong số những phụ nữ ở khu phố Lê Duẩn được vay vốn, thổ lộ: “Sức khỏe của tôi không ổn, thường xuyên bị đau bệnh. Chồng làm nghề “đi bạn” (đánh cá thuê) cho chủ thuyền, thu nhập lại hết sức bấp bênh. Nếu không có Hội LHPN, không có chị Trinh đứng ra tín chấp, gia đình tôi không biết phải xoay sở ra sao để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”. Gia cảnh của chị Mỹ cũng giống như nhiều phụ nữ khác ở làng biển này. Phần lớn những người đàn ông đều làm nghề “đi bạn”, những năm gần đây “biển đói” các chủ tàu cá lẫn những người “đi bạn” chỉ biết kêu trời. Để có cái ăn, cái mặc trong gia đình, những người phụ nữ làng biển phải suy tính cách làm ăn, không thể hoàn toàn trông cậy vào những chuyến đi biển của chồng như trước. Người thì nhặt lông tổ yến thuê, người đi bán hàng rong trên biển, người làm nghề vá lưới… Nhưng nhiều lúc trong nhà kẹt tiền làm ăn, hay đóng học phí cho con hoặc thuốc thang đau ốm bệnh tật, nhiều chị phải chạy đi vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao. Vì vậy, nhiều người trong số họ khi nói về chị tổ trưởng tổ TK&VV này đều tỏ bày sự biết ơn.
Không chỉ là một tổ trưởng tổ TK&VV trách nhiệm, chị Trinh còn là một cộng tác viên dân số nhiệt tình, năng động. Bằng sự thân thiện, gần gũi, chị Trinh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động được rất nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ bằng các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhờ vậy, bây giờ tỉ lệ phụ nữ sinh con thứ ba ở vùng biển này đã giảm đáng kể so với những năm trước đây.
Chia tay chúng tôi, chị Trinh bảo, với mức thu nhập khiêm tốn của công việc tổ trưởng tổ TK&VV và cộng tác viên dân số chưa tới 500.000 đồng/tháng trong khi cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng giúp ích được chút gì cho chị em ở vùng biển là bản thân chị cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
LAN KHANH