Đó là Phan Thị Kim Hưng, dân tộc Tày, học lớp C10A, khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường đại học Phú Yên. Nhà nghèo ở thôn Tân Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), sớm mồ côi cha và tuổi thơ đầy cơ cực, nhưng Hưng luôn phấn đấu học tốt và tích cực tham gia các hoạt động đoàn.
Sinh năm 1992 ở vùng kinh tế mới Nhiễu Giang (xã Sơn Giang), giống như nhiều hộ dân di cư đi tìm cơ hội đổi đời nơi vùng đất mới, gia đình Kim Hưng cũng thuộc diện nghèo. Với Hưng, mọi chuyện còn tệ hơn khi cha mất từ lúc em còn nằm trong bụng mẹ. Ra đời được một thời gian thì mẹ em đi bước nữa. Năm Hưng học lớp 4 thì cha dượng bỏ xứ đi biền biệt, hai mẹ con sống bằng số tiền ít ỏi mà hằng ngày mẹ lên rẫy làm thuê cuốc mướn kiếm được. Chị Lê Thị Duyên - mẹ của Hưng, gốc Tĩnh Gia, Thanh Hóa, theo gia đình vào Nhiễu Giang lập nghiệp năm 1986. Khi được hỏi về con gái, chị Duyên nói: Đời mình khổ nhiều rồi, cũng muốn bù đắp những thiệt thòi cho con nên ráng làm lụng và tích cóp. Cũng mong con gái học hành tới nơi tới chốn, thoát khỏi cảnh làm thuê cuốc mướn cực nhọc như mẹ. Cũng may từ nhỏ, Hưng chăm học nên nhận được nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng, tôi đỡ phần nào chuyện tiền nong cho con học hành.
Liên tục từ bậc tiểu học đến THPT, Hưng đạt học lực khá, giỏi. Nhiều năm liền em được nhận phần thưởng từ quỹ học bổng Vừ A Dính.
Ấp ủ giấc mơ thi vào ngành Y, nhưng do điều kiện không cho phép nên Hưng thi vào Trường đại học Phú Yên. Đậu đại học, chuyện đầu tiên Hưng phải làm là chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm thêm để có tiền phụ mẹ! Cũng may, mặc dù gốc dân “xóm núi”; nhưng “xuống phố”, Hưng lại tỏ ra khá năng động và tháo vát, không nề hà bất cứ việc gì, miễn đó là lao động chân chính kiếm được tiền: chạy bàn, phát tờ rơi, MC phòng trà… Nỗ lực làm thêm giúp Hưng mỗi tháng kiếm bình quân từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng, cộng với sự chắt bóp từ thu nhập làm thuê của mẹ cùng khoản tiền vay theo chương trình tín dụng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp Hưng tạm đủ trang trải cho “giấc mơ giảng đường” kéo dài 4 năm của mình. Làm thế nào mà vẫn học tốt trong khi áp lực làm thêm kiếm tiền lớn như vậy? Hưng trả lời: Cái khó ló cái khôn, “bí quyết” của em là biết sắp xếp công việc, tận dụng thời gian học mọi lúc, mọi nơi.
Vất vả vậy nhưng không vì thế mà Kim Hưng bỏ qua các hoạt động ngoại khóa, công tác phong trào. Hè năm 2012, Hưng không về quê mà đăng ký tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Được hỏi vì sao nhà nghèo, hè không về quê phụ mẹ lại đi tình nguyện? Hưng đáp: Em muốn một lần được mặc áo xanh tình nguyện. Em muốn thâm nhập thực tế để thấy cuộc sống còn nhiều người thiệt thòi hơn mình mà cố gắng nhiều hơn.
Nhờ nỗ lực vượt khó và thành tích tốt trong học tập, ngày 11/7/2014, Phan Thị Kim Hưng vinh dự được nhận giấy khen “Vượt khó - Học tốt” do Hội Đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh trao tặng. Và như một sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực làm việc hết mình của cô sinh viên nghèo, Hưng vừa chính thức tốt nghiệp đại học loại khá. “Học xong rồi thì thấy nhẹ nhõm, nhẹ cho mẹ, cho mình nhưng lại nghĩ đến chặng đường khó khăn trước mắt. Giờ thì em phải cố gắng tìm việc và làm việc bằng kiến thức mình học được để cuộc sống đỡ vất vả”, Hưng giãi bày.
VĂN NGUYỄN