Không những là một trưởng thôn năng động, nhiệt tình trong các hoạt động của địa phương, ông Mang Nghệ, 44 tuổi, ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) còn được nhiều người dân trong thôn, xã biết đến như một tấm gương trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
Năm 1990, Mang Nghệ lập gia đình và ra ở riêng. Những ngày đầu lập nghiệp, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. “Làm lụng chăm chỉ, vất vả quanh năm suốt tháng mà vẫn thiếu thốn. Cái vòng luẩn quẩn phá rừng - làm rẫy - đói nghèo cứ vây riết gia đình vàmọi người trong thôn” - Mang Nghệ nhớ lại. Mang Nghệ luôn trăn trở tại sao cái nghèo vẫn đeo bám mình trong khi điều kiện khí hậu, đất đai ở đây thuận lợi để phát triển nông nghiệp hơn những nơi khác. Qua thông tin đại chúng, cộng với việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt theo cách “cầm tay chỉ việc” của cán bộ khuyến nông huyện và xã, Mang Nghệ bàn với vợ quyết định dùng số vốn ít ỏi đầu tư trồng mía, trồng keo.
Mang Nghệ chia sẻ: “Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm lại chưa chú trọng khâu chọn giống, chăm sóc nên làm rừng, rẫy chẳng thấy lợi nhuận. Nhờ chịu khó học tập kiến thức trồng rừng từ các lớp tập huấn, kinh nghiệm từ những người đi trước, khu rừng của gia đình tôi đã xanh tốt. Sau đó, tôi xin chính quyền khai khẩn thêm đất hoang hóa mở rộng diện tích canh tác từ vài sào, rồi một hecta và nhiều hơn nữa”. Sau nhiều năm miệt mài lao động, đổ biết bao mồ hôi, công sức, gia đình Mang Nghệ nay đã có hơn 3ha mía, gần 10ha keo. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 8 con bò. Bình quân mỗi năm, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Có thu nhập, đời sống khá hẳn lên, ông sắm sửa những máy móc chuyên dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều vật dụng trong gia đình. Điều đáng quý ở Mang Nghệ là dù khi khó khăn hay khi kinh tế cải thiện, ông luôn lo cho con cái ăn học để biết cái chữ. Theo ông đó lànền tảng để tạo lập gia đình sau này. Còn với bà con trong thôn, trong xã, Mang Nghệ nhiệt tình trao đổi, hướng dẫn cách chọn cây trồng, vật nuôi để đạt năng suất cao. Nhiều người còn khó khăn, ông cho mượn, cho vay tiền không lấy lãi để giúp vốn đầu tư sản xuất.
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, Mang Nghệ còn rất nhiệt tình với công tác xã hội. Năm 2009, Mang Nghệ đảm nhiệm chức trưởng thôn Da Dù. Ông luôn nhiệt huyết, tận tâm với công việc chung, cùng với cấp ủy thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng khối đại đoàn kết, giúp đỡ nhau khi khó khăn. Mang Nghệ vận động bàcon tăng gia sản xuất, quyên góp ủng hộ cho những hộ nghèo, hộ đói trong thôn.
Ông Võ Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, nhận xét: “Ngoài phát triển kinh tế giỏi, Mang Nghệ còn là một trưởng thôn có uy tín. Từ khi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, ông đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Năm nào Mang Nghệ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được bà con trong buôn tin tưởng, quý mến”.
Hình ảnh Trưởng thôn Mang Nghệ hiền lành rảo bước đi khắp thôn Da Dù vận động bà con nghe theo Đảng, làm theo lời dạy của Bác Hồ, để có được cuộc sống ổn định, ấm no, không phải chịu cảnh thiếu đói mỗi khi giáp hạt trở thành thân quen với bà con trong thôn. Với nhiều người dân thôn Da Dù, trưởng thôn Mang Nghệ là một minh chứng sống động cho cách làm giàu, nhân cách sống, đáng để mọi người học tập.
HOÀNG LÊ