Thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh được chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Thực hiện Thông tư liên tịch 10/2018 của liên bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, ở Phú Yên, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL tỉnh được thành lập gồm 7 thành viên: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Tài chính và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh do Sở Tư pháp làm cơ quan thường trực.
Hiệu quả bước đầu
Sau khi thành lập, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động phối hợp; thường xuyên rà soát và kịp thời đề nghị UBND tỉnh ban hành các quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng và tổ giúp việc. Song song đó, các ngành thành viên đã nghiêm túc thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành mình. Đặc biệt, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã quán triệt cán bộ của ngành mình nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và đối tượng khác biết về quyền được TGPL, hướng dẫn các thủ tục để được TGPL. Đáng chú ý, trong năm 2019, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đã mang lại hiệu quả và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, bảo đảm quyền bào chữa, quyền được bảo vệ của người được TGPL; thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình tố tụng, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử vụ việc khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội.
Theo ông Lương Văn Trương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh: “Trong năm 2019, trung tâm đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại tạm giam thay thế bảng thông tin về TGPL, tờ thông tin TGPL và danh sách người thực hiện TGPL theo Luật TGPL năm 2017 để người tạm giam, tạm giữ là đối tượng được TGPL biết yêu cầu TGPL theo quy định pháp luật. Đồng thời cung cấp đầy đủ mẫu đơn, giấy tờ liên quan đến TGPL, cũng như tăng cường công tác truyền thông. Nhờ vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã giới thiệu 97 người thuộc đối tượng TGPL đến trung tâm để cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các đối tượng TGPL”.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã cấp 143 giấy chứng nhận tham gia tố tụng và tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên TGPL tham gia quá trình tố tụng như: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, trực tiếp gặp, trao đổi với người được TGPL, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng; quan điểm, đề xuất của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên TGPL được thể hiện trong bản án, quyết định của tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp và Thông tư liên tịch 10/2018.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng
Là cơ quan giúp việc trực tiếp cho thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành và Chủ tịch Hội đồng, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường xuyên tham mưu các chương trình, kế hoạch hoạt động cũng như những biện pháp cần thiết để giải quyết vướng mắc, bất cập trong công tác này. Đồng thời, trung tâm còn là đầu mối liên hệ, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan đến hoạt động của hội đồng và là cơ quan phối hợp trực tiếp, chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, giới thiệu người được TGPL và cử người thực hiện TGPL.
Bên cạnh đó, nhờ xây dựng được cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ nên 100% người được TGPL khi có nhu cầu đều được TGPL miễn phí. Cụ thể như trong năm 2019, Trung tâm TGPL Nhà nước đã cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng 143 vụ việc, đạt 100% số vụ việc có đơn yêu cầu TGPL và đều đạt chất lượng.
Theo ông Lương Văn Trương, sự tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý là một trong những hoạt động nổi bật của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Bởi hoạt động tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp hội đồng xét xử quyết định những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL… Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này vẫn còn hạn chế. Một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn vi phạm thời hạn tố tụng, nhất là các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình; hay các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu giới thiệu người được TGPL là người chưa thành niên phạm tội mà chưa chú trọng đến diện khác.
“Hội đồng sẽ tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trên cơ sở sự phối hợp đồng bộ thường xuyên của cơ quan tố tụng và người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Song song đó, tăng cường hoạt động truyền thông, quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là đẩy mạnh truyền thông về Thông tư liên tịch 10/2018 để người dân và người được TGPL biết, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, ông Lê Văn Thìn, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng nói.
VĂN TÀI