Tình trạng khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gây búc xúc dư luận xã hội. Qua kiểm tra 23 doanh nghiệp, Sở TN-MT phát hiện đến 21 đơn vị vi phạm.
Nhiều sai phạm, thiếu sót
Tại mỏ cát của Công ty CP Xây dựng và thương mại Trung Tây Nguyên ở thôn Phú Lễ, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), đoàn kiểm tra của tỉnh phát hiện doanh nghiệp này chưa lắp đặt camera giám sát tại vị trí bãi tập kết cát theo quy định và chưa thực hiện giám sát môi trường.
Mỏ cát của Công ty TNHH Cát Thiên Phúc tại thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) thì chưa cắm bảng công khai thông tin về khu vực mỏ, chưa lắp đặt camera giám sát. Đối với mỏ cát của DNTN Vận tải và Xây dựng Hồng Nguyên tại thôn Hà Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) còn nhiều thiếu sót, như chưa bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, lập kế hoạch khai thác hàng năm, cắm mốc theo quy định, lắp đặt camera giám sát, kê khai các thông tin về khu vực khai thác.
Mỏ cát của Công ty TNHH 6 Nớ tại khu phố 5, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), ngoài việc chưa lắp đặt camera giám sát, doanh nghiệp này còn chưa giám sát việc xói lở bờ sông trong khu vực khai thác cát, chưa khắc phục đầy đủ nội dung mà Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) đã kết luận...
Đại diện Sở TN-MT cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những doanh nghiệp có nhiều sai phạm hoặc sai phạm nghiêm trọng. Đơn cử như phạt HTX Khai thác VLXDTT Đồng Xuân 15 triệu đồng khai thác cát tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) nhưng chưa cắm bảng công khai thông tin khu vực khai thác, chưa lắp đặt camera giám sát, chưa cung cấp hồ sơ thiết kế khai thác mỏ và có hành vi khai thác ngoài ranh giới được cấp phép.
Phạt Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và dịch vụ Phục Hưng 15 triệu đồng, do khai thác cát tại thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) do bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ chưa đúng quy định, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác vượt quá độ sâu cho phép từ 0,7-1m. Phạt Công ty TNHH Bình An Phú Yên 10 triệu đồng, do khai thác cát tại thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) nhưng chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ thiết kế khai thác và nhiều thiếu sót khác...
Khẩn trương khắc phục tồn tại
Trước thực trạng khai thác cát trái phép diễn ra phổ biến như hiện nay, cho thấy công tác quản lý hoạt động này trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Ông Võ Đăng Duy, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Phú Hòa, cho biết: Trên địa bàn huyện đang có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có 6 doanh nghiệp khai thác cát. Ngoài ra, huyện còn có 5 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò khoáng sản cát.
Qua kiểm tra, UBND huyện xử lý một số trường hợp vi phạm trong hoạt động này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của địa phương là chưa có đầy đủ thiết bị để theo dõi, kiểm tra độ sâu, khối lượng khai thác cát. Thêm vào đó, do nhu cầu cát xây dựng trong nhân dân rất lớn nên một số trường hợp lén lút khai thác vào những ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm, khiến ngành chức năng khó phát hiện, xử lý và ngăn chặn…
Sau khi kiểm tra, một số doanh nghiệp đã khắc phục xong hoặc khắc phục một phần những thiếu sót, sai phạm trong khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các nội dung đã quy định trong giấy phép khai thác cát, như: đúng vị trí, đúng chiều sâu, đúng công suất...
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng nội dung, hồ sơ đã được duyệt; triển khai các phương án cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác. Đối với các doanh nghiệp còn thiếu sót, sai phạm như đã nêu trên thì khẩn trương khắc phục đúng và đầy đủ những nội dung mà Sở TN-MT đã kết luận.
“Sở TN-MT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc khắc phục sai phạm của các doanh nghiệp khai thác cát. Sở cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm theo thẩm quyền”, ông Lộc cho biết thêm.
Công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều bất cập. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy hoạch, quản lý thăm dò, khai thác khoáng sản trong thời gian qua, nhất là khâu đánh giá tác động môi trường, cấp phép, quản lý hoạt động khai thác và phục hồi môi trường sau khai thác. Trong đó lưu ý một số nội dung như chỉ cấp mới giấy phép khai thác cho các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; cấp mỏ với thời gian, quy mô đủ lớn, hạn chế chia nhỏ điểm mỏ.
Đối với các mỏ được cấp phép có quy mô lớn, nhưng doanh nghiệp không có đủ năng lực để khai thác, đề nghị không tiếp tục gia hạn; chấm dứt tình trạng khai thác, tiêu thụ trái phép; cấp phép khai thác phải trên cơ sở phù hợp quy hoạch, gắn với khơi thông dòng chảy, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp khai thác sai vị trí cấp phép; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tế trên cơ sở quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt; chấm dứt việc đổ xà bần, phế thải xây dựng, cắt sông, cắt bờ để làm đường vận chuyển; chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả đấu thầu quyền khai thác khoáng sản…
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh |
ANH NGỌC