Lần đầu tiên, TAND tỉnh Phú Yên và tỉnh An Giang phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 400 hội thẩm nhân dân (HTND) TAND hai cấp của hai tỉnh. Hoạt động tập huấn không chỉ nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, mà còn là dịp để các HTND trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt.
Bổ ích, thiết thực
Là Phó Trưởng Đoàn HTND TP Châu Đốc, đây là lần đầu tiên bà Huỳnh Thị Mỹ Dung cùng gần 200 vị HTND tỉnh An Giang tham gia đợt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ xét xử ngoài tỉnh xa như vậy. Vì vậy, bà cũng như các vị HTND khác đến với đợt tập huấn này, ai cũng mong chờ, bởi không chỉ được nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, mà còn là dịp để họ học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, cùng nhau giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử theo tiến trình cải cách tư pháp. Qua đó góp phần không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án của TAND hai cấp của Phú Yên và An Giang trong thời gian tới.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, đặc thù những người làm công tác HTND thường kiêm nhiệm. Vì vậy, mỗi đợt tập huấn chuyên môn nghiệp vụ là dịp để họ nâng cao kiến thức pháp luật về công tác xét xử nên rất thiết thực và bổ ích. Từ đó, khi tham gia một vụ án, HTND phải vì công lý và đấu tranh cho lẽ phải, bênh vực quyền lợi của công dân. Khi người ta phạm tội, bị đưa ra xét xử thì họ có tội với pháp luật, chứ không có tội với hội đồng xét xử. Vậy nên người xét xử phải thật công tâm, ai có tội thì xử người đó, ai bị oan thì mình phải đấu tranh đến cùng.
“Chính vì điều này nên mỗi lần bước vào phòng xử án, với vị thế của người đại diện cho sự công bằng, tôi luôn ý thức trách nhiệm nặng nề của người HTND. Bởi người hội thẩm chỉ ngồi nghe mà không có chính kiến, thiếu kiến thức về pháp luật thì không làm được. Bên cạnh đó, họ phải có kiến thức xã hội, am hiểu những vấn đề đang xảy ra ngoài xã hội, bởi mình làm việc theo luật pháp nhưng cũng phải biết hoàn cảnh nào khiến người ta phạm tội, nên những đợt tập huấn nghiệp vụ như thế này rất bổ ích và thiết thựcđể bổ sung kiến thức về pháp luật”, bà Dung phân tích thêm.
“Bổ ích, thiết thực”, cũng là cụm từ mà ông Nguyễn Xuân Nghi (HTND huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) tâm sự với chúng tôi khi được hỏi về đợt tập huấn nghiệp vụ lần này. Vì cùng với thẩm phán, HTND là những người đưa ra quyết định cuối cùng về một bản án nên đòi hỏi phải có trách nhiệm cao, khách quan, hiểu pháp luật. Hơn nữa, trong quá trình tố tụng, các HTND thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình từ giai đoạn xem xét hồ sơ, đến quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Do đó, nếu không trau dồi từ thực tế, từ những lần tập huấn nghiệp vụ thì người HTND không nắm vững nội dung, tính chất của vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đánh giá các chứng cứ xác đáng, đảm bảo tính khách quan thực hiện đúng theo tinh thần cải cách tư pháp, phát huy được nguyên tắc độc lập và tuân theo pháp luật trong xét xử để đưa ra quyết định đúng đắn từng vụ án, nhờ đó đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “Vì vậy, chúng tôi rất mong có nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ như thế này, nhất là được trao đổi kinh nghiệm công tác HTND với tỉnh bạn”, ông Nghi nói.
Nâng cao chất lượng xét xử
Theo ông Huỳnh Thanh Tùng (HTND huyện An Phú, tỉnh An Giang), cái khó hiện nay là đa số các HTND là cán bộ đương nhiệm giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành khác nhau nên chưa dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi tham gia phiên tòa. Nhất là các vị HTND ít có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Vì vậy, đợt tập huấn nghiệp vụ đã mổ xẻ, phân tích làm rõ các kinh nghiệm, kỹ năng của HTND khi nghiên cứu hồ sơ, xét hỏi tại phiên tòa, điều hành tranh luận, nghị án và tuyên án, đặc biệt là những lỗi vi phạm về tố tụng và nội dung của từng loại án thường bị cấp trên hủy, sửa án nên rất hữu ích.
Theo Chánh án TAND tỉnh Phú Yên Phạm Tấn Hoàng, tại các phiên tòa, HTND có vị trí, vai trò quan trọng đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động xét xử, góp phần giúp việc xét xử của tòa án diễn ra công bằng, chính xác, khách quan. Trong quá trình xét xử, các vị HTND cùng với thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tích cực tuyên truyền pháp luật; phát hiện những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước, những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phát sinh tội phạm và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. Việc HTND tham gia trong mỗi phiên tòa không chỉ góp phần nâng cao chất lượng xét xử mà còn khẳng định vai trò giám sát của nhân dân đối với tòa án, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của HTND, trong thời gian qua, TAND tỉnh luôn chú trọng và duy trì công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các vị HTND trong toàn ngành, nhất là thường xuyên đổi mới phương pháp, nội dung tập huấn. Trong đó đưa những vụ án cụ thể làm bài học thực tế, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật mà đợt tập huấn nghiệp vụ HTND TAND hai cấp Phú Yên - An Giang cũng không ngoài mục đích trên. Qua đó, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử và giải quyết các loại án của TAND hai cấp của Phú Yên và An Giang trong thời gian tới.
“Đợt tập huấn này không chỉ giúp các vị HTND hai tỉnh nghiên cứu pháp luật nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng xét xử để rút ngắn khoảng cách chênh lệch với thẩm phán, mà còn là dịp để họ chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, cùng nhau giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử theo tiến trình cải cách tư pháp. Đồng thời cũng là dịp để các vị HTND tỉnh An Giang có điều kiện tham quan, tìm hiểu thêm về mảnh đất, con người Phú Yên với hoa vàng cỏ xanh và nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc”.
Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng |
VĂN TÀI