Biến những ánh mắt từ ái ngại, xa lạ của dân làng trở thành thân thiện, trìu mến. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả trong công tác vận động, giúp dân, các chiến sĩ tình nguyện đã thực hiện được điều đó.
Sinh viên tình nguyện đang dạy chữ cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số ở xã Cà Lúi (Sơn Hoà) - Ảnh: T.Q
Trên căn nhà dài của người Êđê ở buôn Zô (xã EaLy, huyện Sông Hinh), một trong những điểm đóng quân của các sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng số 3, anh Đinh Gia Tuấn - người phụ trách mặt trận của Đoàn trường, cho chúng tôi biết: “Ban đầu chúng tôi cũng gặp một số khó khăn trong việc vận động các em nhỏ đến với các lớp văn hóa hè. Thế nhưng, bây giờ thì ổn rồi, số lượng học sinh đã ổn định”.
Do nắm được mục tiêu mà Ban chỉ huy chiến dịch đề ra nên các tổ, nhóm sinh viên, thanh niên tình nguyện đều lấy công tác phổ cập giáo dục và giúp các gia đình chính sách, neo đơn làm trọng tâm. Tuy nhiên, mùa hè là dịp các em phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy nên việc đến lớp cũng trở nên khó khăn, đòi hỏi sinh viên tình nguyện phải nỗ lực hết mình trong công tác vận động.
Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi, bây giờ ai cũng hăng say làm phần việc của mình với tinh thần tuổi trẻ tình nguyện. Buổi sáng, các bạn thay phiên nhau giúp các hộ chính sách khó khăn lên rẫy gặt mè, làm cỏ sắn, mía; buổi chiều tắm gội, cắt tóc cho trẻ em; tối đến dạy các em học chữ, sinh hoạt văn nghệ.
Đã giữa trưa nhưng tại một trong những điểm đóng quân của trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên thôn Tân Sơn (xã Tân Lập, huỵện Sông Hinh) không thấy bóng dáng của một chiến sĩ nào. Bác Nguyễn Công Dũng người dân tộc Tày, sống gần đấy, cho biết: “Hôm nay sinh viên sẽ về trễ, vì họ đang giúp các gia đình làm cỏ sắn trên rẫy xa”. Ông Dũng còn nói thêm: “Từ ngày có sinh viên tình nguyện lên đây người dân vùng này phấn khởi lắm. Họ không những cùng ăn, cùng ở cùng làm như người trong nhà của chúng tôi mà còn giúp lũ nhỏ ôn tập, học hành rất chất lượng”.
Chúng tôi tới buôn Học (xã EaLâm, huyện Sông Hinh), nơi nhóm của bạn Phạm Hữu Thịnh (trường Cao đẳng Xây dựng số 3) đóng quân. Không giống như những nhóm khác thường tập kết ở nhà sinh hoạt văn hóa, nhóm của Thịnh (có 5 người) quyết định xin ở nhà Mí Tôn. Trưởng nhóm Phạm Hữu Thịnh đề xuất với lãnh đạo Tỉnh đoàn: “Khó khăn lớn nhất ở nơi này là thiếu vở, thiếu bút cho các em. Mong Tỉnh đoàn hỗ trợ càng nhiều càng tốt”
Ở xã EaLâm này buôn Bưng B là địa bàn mà các chiến sĩ tình nguyện gặp khó khăn nhất trong công tác vận động. Nguyễn Văn Toàn, một nhóm trưởng khác của SVTN trường Cao đẳng Xây dựng Số 3, tâm sự: “Ban đầu nhiều bà con tỏ vẻ thờ ơ nhưng rồi trong những lần cùng mang gùi với bà con lên rẫy, màu áo xanh tình nguyện đã dần trở nên thân thiện. Giờ đây, từ già làng đến người trong buôn ghé lại nơi đóng quân của các chiến sĩ để gởi khi con cá, lúc cây măng với ánh mắt trìu mến”.
NHẬT HUY