Đội hình chuyên gồm 20 đoàn viên thuộc các chi đoàn Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ (Đoàn khối cơ quan Dân Chính Đảng) đã tổ chức tình nguyện về 6 xã thuộc 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Họ đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn nghiệp vụ văn thư lưu trữ, nghiệp vụ hành chính cũng như đưa tin học về cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trên các vùng cao này.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn cán bộ văn phòng xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) tiếp cận Internet - Ảnh: L.VĂN
1. Hôm đó, thời tiết không thuận lợi, nhưng vì đã hẹn trước với bà con nên đội hình chuyên nghiệp vụ hành chính và chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn lên đường về xã vùng cao Ea Bá (huyện Sông Hinh). Đến nơi, cả đoàn bắt tay ngay vào việc. Đầu tiên là xem lại văn bản lưu trữ hằng ngày, hằng tháng của các cán bộ văn phòng UBND xã và các bộ phận khác. Bên cạnh đó, các thành viên trong đội “trắc nghiệm” nhanh một số kiến thức căn bản về việc sử dụng máy vi tính, cách trình bày một văn bản thông thường… để tìm ra biện pháp tập huấn nghiệp vụ văn phòng, nghiệp vụ văn thư lưu trữ một cách hiệu quả cho cán bộ xã.
Thực tế, ở đây mỗi cán bộ có cách trình bày và lưu trữ khác nhau nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm và tra cứu. Do còn yếu về nghiệp vụ hành chính , họ thường làm theo “cảm tính” nên giấy tờ rất lộn xộn. Sau khi tìm hiểu, anh Phan Đình Việt Vinh Chuẩn, đoàn viên chi đoàn Văn phòng UBND tỉnh – người đảm nhiệm chính việc tập huấn công tác văn thư lưu trữ - nhiệt tình hướng dẫn cụ thể từ cách thức trình bày văn bản, cách đóng dấu sao cho đúng đến việc lưu trữ tài liệu sao cho khoa học để giảm thiểu thời gian tìm kiếm trên máy tính…
Anh Lê Tấn Tài, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Ea Bá bộc bạch: “Do không được tập huấn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ nên thời gian qua, chúng tôi khá vất vả với công việc này. Bây giờ, nhờ có đội hình chuyên tình nguyện lên tận nơi hướng dẫn, chúng tôi mới biết mình đã làm sai khá nhiều”.
2. Tại xã Phước Tân (Sơn Hòa), khi biết đội hình chuyên lên tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ dân đã không lên rẫy như mọi hôm. Mí Sơn, ở Ma Giai đã phải cuốc bộ nửa ngày đường mới đến trụ sở UBND xã để nghe hướng dẫn. Mí Sơn bảo rằng, do thiếu thông tin nên bà con không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả để thay đổi cuộc sống.
Còn tại các địa bàn khác, qua trao đổi, chúng tôi được biết hầu hết người dân trồng mía, lúa nhưng không hề biết tên một loại thuốc trị sâu bệnh nào! Muốn mua thuốc cho cây trồng , bà con xuống thị trấn nói triệu chứng bệnh, người ta căn cứ vào đó mà bán. Trong vài giờ đồng hồ, các chiến sĩ tình nguyện phổ biến những kiến thức căn bản để phát hiện bệnh trên cây lúa, cách trồng cây điều sao cho năng suất cao… Nhiều loại bệnh như rầy nâu thường xuất hiện dưới gốc lúa, khó phát hiện, do vậy, bà con khi thăm ruộng phải vạch gốc ra xem. Bệnh đạo ôn thường xuất hiện vào vụ đông xuân, trời âm u là điều kiện phát triển bệnh…đã được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn một cách cặn kẽ cho bà con. Tuy nhiên, có một nghịch lý tồn tại lâu nay tại các địa phương mà đoàn tư vấn chính là cách sử dụng nguồn phân bón. Trong khi phân chuồng có sẵn thì người dân đem bán đi với giá rẻ, rồi lại phải bỏ một lượng tiền lớn để mua phân hóa học bón cho cây trồng. Qua tư vấn, bà con mới vỡ vạc ra vấn đề. Ông La O Y Cư, một cư dân Buôn Bá, xã Ea Bá trăn trở: “Nếu các cháu lên đây mà ở lại dài ngày, rồi dẫn bà con ra rẫy hướng dẫn thì tốt quá. Vì còn nhiều thứ chúng tôi cần hỏi lắm…”.
Tranh thủ ngày thứ bảy, ngày chủ nhật xanh để đi tình nguyện, tuy nhiệm vụ đã hoàn thành, song mọi người ra về vẫn còn mang theo sự luyến tiếc và mong có dịp được về lại với bà con đồng bào như lời Y Cư “ ở lại nhiều ngày thì tốt”.
VĂN TÀI - HIẾU MINH