Nguyễn Lê Lanh Đa (công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên) mới 25 tuổi đời và 3 năm tuổi nghề nhưng đã từng làm chủ nhiệm đề tài “Aùp dụng chương trình “ba giảm ba tăng” giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2004 – 2005”. Đa là một trong số ít người trẻ tuổi tổ chức thực hiện đề tài khoa học ở Phú Yên với kết quả được nhân rộng trong thực tiễn.
CHÀNG TRAI LÃNG MẠN, SIÊNG NĂNG
Thiếu điểm vào ngành Y, trường đại học đã chuyển Đa sang ngành Nông nghiệp. Đăng ký học chuyên ngành bảo vệ thực vật, Đa thích thú với ý nghĩ mình sẽ được lên rừng núi bảo vệ cây cối, môi trường. Chàng trai lãng mạn này vô cùng hào hứng với những chuyến đi thực tế ra ruộng bắt sâu, bướm … để làm mẫu giám định. Nâng niu những ký ức tuổi thơ trên cánh đồng ở quê nội Hoà Thắng (Phú Hoà), Đa say mê các môn học chuyên khoa về côn trùng, về bệnh cây… Và may mắn cho Đa là đã tìm được công việc thích hợp với ngành được đào tạo. Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có nhiều cơ hội thể hiện khả năng của mình. Về đơn vị, Đa bắt tay ngay vào công trình nuôi ong mắt đỏ. Cả thứ bảy, chủ nhật và những ngày tết, Đa cùng anh em do liên tục ứng trực để lấy trứng của ong hàng ngày, vì nếu trễ thì các lứa trứng sẽ hư chồng lên nhau.
Nguyễn Lanh Lê Đa trong buổi thuyết trình
Sau “Ong mắt đỏ”, đề tài “Ong ký sinh bọ dừa” do đơn vị triển khai thực hiện, Đa cũng tích cực tham gia. Vốn không thích rảnh rang, lúc nào Đa cũng tìm việc để làm nên luôn bận rộn. Anh Nguyễn Đăng Mạnh, Trưởng Phòng kỹ thuật của đơn vị cho biết: “Mọi việc của Phòng kỹ thuật đều có bàn tay của Đa. Một sinh viên vừa mới ra trường nhưng được đào tạo bài bản, say mê công việc và có phương pháp làm việc tốt đã tạo ra hiệu quả cao trong công tác”. Tin vào năng lực của Đa, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật đã giao cho anh làm chủ nhiệm đề tài “Áp dụng chương trình “ba giảm ba tăng” giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2004 – 2005”.
Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên ban đầu còn e ngại vì chủ nhiệm đề tài còn trẻ, thời gian công tác ít … Đến khi nghiệm thu đề tài, Hội đồng khoa học đã đánh giá: “Đây là một đề tài có ý nghĩa thực tế rất lớn, giúp nông dân cải thiện được kiến thức, kỹ năng và hiệu quả trong sản xuất lúa. Đề tài này được triển khai nhân rộng trong năm 2006”.
“Ba giảm ba tăng” thành công, Đa đang tiếp tục đảm nhiệm đề tài kế thừa đề tài trước: “Mở rộng chương trình “ba giảm ba tăng” giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Mục tiêu của hoạt động này là mở rộng kết quả dự án năm 2005 trong cộng đồng nông thôn để giúp nông dân sản xuất lúa đạt mục đích: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm bón cho lúa, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận trong sản xuất.
“CÔNG TỬ” RA ĐỒNG RUỘNG
Vóc người mảnh khảnh, nước da trắng và nói năng nhỏ nhẹ, trông Đa còn rất thư sinh. Đa nhớ mãi lần đầu tiên tập huấn cho bà con nông dân xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà. Cả hội trường cười ồ lên vì quá bất ngờ. Họ thấy “ông cán bộ” sao mà “công tử”. Có người còn nói lớn: “Nó biết gì chuyện đồng áng mà bày cho mình?”. Dù đã chuẩn bị kỹ nội dung thuyết trình nhưng hôm đó, Đa chẳng nói được gì. Sau đó, “chàng công tử” này đã làm khối việc và đã thuyết phục được bà con. Cứ đến mùa vụ, Đa lại đi điều tra sâu bệnh, tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại cho nông dân …
Trong quá trình thực hiện đề tài, Đa gần như “nằm” ở đồng ruộng. Đề tài thành công phần lớn phụ thuộc vào công tác vận động và sự tham gia của bà con nông dân. Bỡi vì chương trình đưa ra, nhiều địa phương tham gia nhiệt tình nhưng cũng có nơi không tin và không nhiệt tình hưởng ứng. Những thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của nông dân, giờ họ phải thay đổi để áp dụng kỹ thuật mới là một điều khó khăn. Đa đã phải nhờ đến địa phương và những người lớn tuổi thuyết phục giùm. Giờ thì bà con đã quen mặt và thân thiết với ông cán bộ “ba giảm ba tăng” này rồi.
Đa đang ấp ủ thực hiện đề tài “Phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng chính” và phải đợi đến 2007 mới đăng ký triển khai vì một chủ nhiệm không được triển khai cùng lúc hai đề tài. Ông Lê Xuân Đồng, Phó Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học - Công nghệ) cho rằng: Một chủ nhiệm đề tài khoa học như Nguyễn Lê Lanh Đa vẫn còn rất hiếm. Tuổi trẻ năng động, nhiệt tình và được đào tạo với nhiều kiến thức mới. Trong hoạt động khoa học, những người trẻ tuổi tham gia là điều luôn được khuyến khích. Có điều, ngoài nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài còn tổ chức thực hiện nên họ cần có uy tín cao để có thể mời các nhà nghiên cứu, cơ quan phối hợp thực hiện.
MINH NGUYỆT