Nói thẳng những điểm yếu, điểm mạnh của Đoàn và công tác thanh niên của huyện; hiến kế cho Huyện ủy và Huyện đoàn những giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong thời gian đến... Đó là diễn biến của vòng chung kết cuộc thi “Nếu tôi là Bí thư Đoàn” do Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh tổ chức ngày 11/5. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những gương mặt xuất sắc, có năng lực, có nhiệt huyết để giới thiệu làm cán bộ chủ chốt của Huyện đoàn nhiệm kỳ V sắp đến.
7 thí sinh lọt vào vòng chung kết
7 gương mặt nổi bật nhất trong số 15 người dự thi vòng sơ khảo đã giành được quyền vào vòng chung kết cuộc thi “Nếu tôi là Bí thư Đoàn”. Trong số họ có 2 cán bộ thuộc Huyện đoàn, 3 cán bộ Đoàn cơ sở, 1 công chức và 1 đoàn viên. Như vòng sơ khảo, ở vòng chung kết này, các thí sinh được yêu cầu trình bày nhận xét về thực trạng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Sông Hinh thời gian qua trước khi trình bày chương trình hành động nếu được bầu làm Bí thư Huyện đoàn và cuối cùng là trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo - là toàn bộ thành viên của Ban Thường vụ Huyện ủy.
“NÓI THẲNG, NÓI THẬT” VỀ ĐOÀN
Có lẽ hiếm có diễn đàn nào các bạn trẻ “vạch” ra được nhiều điểm yếu kém của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi như ở cuộc thi này. Bên cạnh đánh giá những điều làm được, hầu hết các thí sinh đã dành nhiều thời gian để chỉ rõ những tồn tại, yếu kém của thanh niên và công tác thanh niên ở Sông Hinh thời gian qua.
“Tôi nhận thấy rằng cán bộ Đoàn ở cơ sở chưa được chú ý đúng mức; một số phong trào chỉ tổ chức lấy có, chung chung” - bạn Cao Duy Hà, thí sinh đầu tiên đã “phát pháo” như thế. Tiếp theo đó, lần lượt 6 thí sinh còn lại đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở Sông Hinh. Đó là: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và pháp luật cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) chưa tốt; các CLB, đội nhóm ở cơ sở chưa được duy trì thường xuyên, chưa tìm được hướng hoạt động hiệu quả; việc tập hợp thanh niên còn nhiều hạn chế; Đảng và tổ chức thanh niên chưa đánh giá đầy đủ cống hiến của một số thanh niên xuất sắc để từ đó có chế độ đãi ngộ hợp lý; bệnh thành tích trong tổ chức Đoàn vẫn còn nhiều, nhiều nơi ham chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng hoạt động; thanh niên ly hương đi làm ăn xa vì Đoàn chưa tạo nhiều cơ hội để họ có được việc làm ngay tại quê nhà; cán bộ Đoàn ở cơ sở vừa yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thiếu kinh nghiệm và kỹ năng về công tác thanh niên; chưa tạo được sự đoàn kết anh em giữa thanh niên các dân tộc với nhau; chưa có nhiều hoạt động hướng về cơ sở…
Thí sinh Lê Thanh Tùng thổ lộ: “Tôi quyết định tham gia cuộc thi này không phải chuyện đậu - rớt, mà muốn bày tỏ quan điểm của mình và hy vọng đóng góp phần nào đó vào sự phát triển của công tác Đoàn và phong trào thanh niên Sông Hinh trong thời gian đến”. Còn thí sinh Phạm Thế Lễ cho biết: “Tôi là cán bộ Đoàn cũng khá lâu năm, vì thế tham gia cuộc thi nhằm thử thách bản lĩnh và thể hiện năng lực của mình, đồng thời muốn học hỏi kinh nghiệm làm thủ lĩnh thanh niên từ các bạn khác”.
“HIẾN KẾ” CHO ĐẢNG, CHO ĐOÀN
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học phát biểu trong phần khai mạc vòng chung kết cuộc thi: Đây là diễn đàn để các bạn trẻ tâm huyết với Đoàn bày tỏ quan điểm của thanh niên với Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; là cơ hội để Đảng đối thoại với Đoàn, từ đó Đảng có những nhận xét đúng hơn, sát hơn về tình hình lãnh đạo thanh niên.
Quang cảnh cuộc thi “Nếu tôi là Bí thư Đoàn”
Mỗi thí sinh vạch ra một chương trình hành động gồm những giải pháp để khắc phục những yếu kém, tồn tại hiện nay; đồng thời đề xuất những phương pháp nhằm thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Sông Hinh trong thời gian đến. “Sông Hinh là một huyện mà tỉ lệ thanh niên người DTTS rất lớn, nhưng họ chưa được chú ý đúng mức. Vì sao không ít thanh niên DTTS đi theo Tin lành Đề ga? Đó là bởi chúng ta chưa tạo được nhiều sân chơi hấp dẫn để từ đó định hướng cho họ. Nếu tôi là Bí thư Huyện đoàn, tôi sẽ củng cố lại đội ngũ cán bộ Đoàn ở thôn buôn, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ở cơ sở; phối kết hợp tốt hơn với các đoàn thể và mặt trận ở địa phương để vận động thì sẽ tập hợp được thanh niên vùng đồng bào DTTS. Quan điểm của tôi là cơ sở mạnh thì Huyện đoàn sẽ mạnh” - thí sinh Trần Quang Hiên nêu như thế trong chương trình hành động của mình. Bổ sung thêm ý này, thí sinh Mai Thị Văn nói: “Cần phải xác định đặc thù của từng địa phương, từng vùng để tổ chức các hoạt động cho phù hợp thì mới thu hút được thanh niên. Chẳng hạn một hoạt động, một phong trào tổ chức ở vùng đồng bào DTTS thì phải nghĩ đến những nét văn hóa đặc trưng của vùng đó, dân tộc đó để gắn kết, lồng ghép”. Vấn đề việc làm cho thanh niên cũng được nhiều thí sinh quan tâm. “Nếu được, tôi sẽ thành lập một trung tâm tư vấn - giải quyết việc làm thanh niên tại huyện để tạo điều kiện cho các bạn trẻ trong huyện có được việc làm. Mặt khác, tôi cũng sẽ tạo mối liên hệ chặt chẽ với các trung tâm giải quyết việc làm, liên kết với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn huyện để tìm việc làm cho thanh niên” - thí sinh Lê Thanh Tùng nói.
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học Đây là cuộc thi không có giải thưởng, nhưng các bạn thí sinh đã nhiệt tình tham gia và đã đánh giá khá đầy đủ hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên của huyện. Nhiều ý kiến của các bạn rất sâu sắc, giúp cho Ban Thường vụ Huyện ủy nhìn nhận ra nhiều vấn đề mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thanh niên và phong trào thanh niên. Những gương mặt tiêu biểu và xuất sắc nhất sẽ được Ban Thường vụ Huyện ủy giới thiệu ra Đại hội Đoàn TNCS HCM huyện Sông Hinh lần thứ V để bầu các chức danh chủ chốt. Đây cũng là cơ hội để Đoàn xem xét tuyển chọn cán bộ, quy hoạch nhân sự cho Đảng…
Một số vấn đề “nóng” khác cũng được các thí sinh đặt ra. Thí sinh Phạm Thế Lễ cho biết: “Tôi sẽ ưu tiên hàng đầu cho công tác kiện toàn bộ máy cán bộ Đoàn; tiến hành rà soát lại toàn bộ lực lượng, người nào có khả năng thì phát huy, nhân rộng; những người không đủ năng lực thì tìm hướng giải quyết như huấn luyện, đào tạo thêm”. Quan tâm đến vấn đề này, thí sinh Trần Quang Hiên nói: “Phải “hâm nóng” lại công tác Hội - Đội ở cơ sở và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn thôn buôn”. Còn thí sinh Nguyễn Thị Ái Liên đề xuất: “Tôi cho rằng một cuộc thi cán bộ Đoàn ở cơ sở được tổ chức như cuộc thi này là điều cần thiết”.
Các thí sinh cũng thẳng thắn đề nghị Huyện ủy cần có những chính sách đãi ngộ tốt hơn đối với cán bộ Đoàn có nhiều cống hiến, xem xét việc bồi dưỡng kết nạp Đảng kịp thời cho cán bộ Đoàn; đề xuất các giải pháp để giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên hiệu quả hơn… Song song với việc trình bày chương trình hành động, các thí sinh cũng trả lời những câu hỏi khá hóc búa của các giám khảo là Ủy viên thường vụ Huyện ủy. Từ chương trình hành động đến việc hỏi - đáp, từ trình bày của thí sinh đầu tiên đến người cuối cùng đã tạo ra một chỉnh thể “tư vấn” cho Huyện ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đoàn; cho Huyện đoàn Sông Hinh trong việc triển khai công tác trong thời gian sắp đến.
Dự cuộc thi, bà Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Thường vụ Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên, nhận xét: “Đây là một cuộc thi rất quan trọng và có ý nghĩa. Thực trạng đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay là hạn chế về năng lực và trình độ, vì thế cuộc thi là cách để giúp nhận ra những gương mặt nào đáp ứng được hai yêu cầu đó, thể hiện được bản lĩnh của một thủ lĩnh thanh niên. Cách tìm kiếm nhân lực rộng rãi và dân chủ như thế này là rất đáng hoan nghênh. Đa số các bạn thí sinh không nêu được những điểm mới nếu trở thành Bí thư Huyện đoàn, tuy nhiên trong chương trình hành động, họ đã tìm cách giải quyết được những tồn tại lớn của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay đã là điều rất đáng mừng”.
QUỐC THANH