Mấy năm gần đây, người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu “biết mặt quen tên” nhãn hiệu nước mắm của Doanh nghiệp Tân Lợi (TP Tuy Hòa). Sự vươn lên khẳng định chỗ đứng của đặc sản Phú Yên này gắn liền với khát vọng làm giàu của giám đốc trẻ Hồ Trần Thắng.
Giám đốc trẻ Hồ Trần Thắng
36 tuổi, Hồ Trần Thắng đã trải qua không dưới 5 chỗ làm việc. Nghỉ làm Nhà nước, anh về mở doanh nghiệp chế biến nước mắm tại 272 Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hoà. Dốc vốn liếng và gắn bó với nghề làm nước mắm là quyết định không dễ chút nào đối với Thắng. Anh liên tục học hỏi, vượt qua những khó khăn và dồn hết tâm huyết vào công việc này.
Thắng tự tin nói về việc đầu tư của mình: “Tôi xuất thân từ một gia đình chuyên muối mắm. Bôn ba mấy nghề, có chút vốn riêng rồi vay mượn thêm, tôi quyết định đầu tư vào nghề chế biến nước mắm, với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ người tiêu dùng. Phú Yên có sản lượng cá cơm khá dồi dào, nhiều nhân công thạo nghề làm nước mắm…, thuận tiện cho việc đầu tư xây dựng thương hiệu”.
Khát khao nâng cao kiến thức trên lĩnh vực kinh doanh của mình, nhiều lần Hồ Trần Thắng thức thâu đêm để nghiên cứu tài liệu, truy cập internet nắm bắt thông tin, “ở lì” trong nhà xưởng để theo dõi nước cốt cá như mật rỉ xuống... Tâm huyết với nghề chế biến nước mắm nên tất cả các yêu cầu về an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng đã được Thắng và nhân công ở đây tuân thủ triệt để. Chính thức đăng ký nhãn hiệu vào năm 2004, chỉ mới hơn hai năm, sản phẩm nước mắm Tân Lợi đã hoà nhịp nhanh vào thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên, nhận xét: “Nước mắm Tân Lợi đã có trên thị trường hơn hai năm nay và được người tiêu dùng đánh giá cao. Mẫu chai đẹp, đảm bảo vệ sinh, giá cả “mềm”… nên nước mắm Tân Lợi có mặt trong các quán ăn, trên các bàn tiệc và được mua làm quà cho khách phương xa. Chất lượng ổn định, trên sản phẩm ghi đầy đủ các thông số sản xuất, đăng ký tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là những yếu tố quan trọng để thương hiệu này vươn xa.”
Doanh nghiệp nước mắm Tân Lợi hiện có năng lực sản xuất khoảng 1.000 tấn cá cơm mỗi năm, tạo việc cho 15 lao động thường xuyên và gần 100 lao động thời vụ. Giám đốc trẻ Hồ Trần Thắng đã xây dựng một cơ sở chế biến ngay tại làng Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An). Song làm thế nào để liên kết xây dựng một thương hiệu cộng đồng tại đây là điều mà Thắng đang trăn trở. Anh nói: “Làng Yến có truyền thống chế biến nước mắm rất ngon nhưng chủ yếu là làm nhỏ lẻ ở từng hộ gia đình, sản xuất cầm chừng để bán cho một số bạn hàng. Vì thế, không ai chú trọng đến chuyện xây dựng một thương hiệu mạnh cho cả làng nghề. Tôi muốn xây dựng một cơ sở sản xuất tại đây để sau đó mọi người cùng góp sức tạo thành một khu vực chuyên sản xuất và buôn bán nước mắm cạnh Quốc lộ 1A qua xã An Hoà. Vấn đề là phải vạch ra một định hướng chiến lược để xây dựng thương hiệu mắm Yến… Tôi muốn không chỉ chế biến nước mắm mà còn làm cả mắm nêm, mắm ruốc, mắm dắt, mắm thu… tại đây”.
Để thêm nguồn lực đầu tư cho dự định lớn đó, Hồ Trần Thắng đã mở một quán ăn trên đường Lê Duẩn (TP Tuy Hoà), và đây cũng là nơi đối chứng của sản phẩm nước mắm Tân Lợi. Tin rằng anh sẽ thực hiện được khát vọng làm giàu cho mình và cho cộng đồng làng Yến.