Quần áo hiệu CK, tai nghe Ipod, túi lủng lẳng điện thoại di dộng O2, tóc tai nhuộm xanh, nhuộm đỏ... Đó là chân dung của một số bạn trẻ đang mê hàng hiệu hiện nay.
Điện thoại xịn, áo quần thời trang, trang sức ấn tượng... là những thứ mà một bạn trẻ sành điệu không thể không có - Ảnh minh họa: VĂN TÀI
Vừa mới từ phố núi xuống Tuy Hòa nhập học, T.K.V - sinh viên Phân viện Ngân hàng Phú Yên - đã không ngần ngại tậu ngay chiếc di động Nokia N73 gần 6 triệu đồng cho “bằng chị bằng em”. Số tiền này, đối với nhiều sinh viên nghèo là niềm mơ ước để trang trải việc học. Nhưng với T.K.V thì “nhỏ hơn con thỏ”, vì gia đình V ở Gia Lai rất khá giả. Tủ quần áo của V cũng toàn hàng ngoại, dù không phải bộ trang phục nào cũng hợp với dáng người! Hôm đi dã ngoại, V làm cả lớp “choáng” khi xuất hiện với chiếc quần jean hiệu Levis rách te tua, hở rốn, có giá hơn triệu đồng. V khoe: “Mode và hiệu này ca sỹ Britney Spears hồi trước thường mặc lắm!”.
H.V.H, Một sinh viên khác của Phân viện Ngân hàng Phú Yên và cũng là một chatter, không ngần ngại bán đi “con dế” O2 sử dụng chưa đầy một tháng để đủ tiền mua cho mình một đôi giày thể thao Adidas, chiếc tai nghe Creative HS 300/HE 100, Webcam 1.3 Megapixel. Theo H, tai nghe Creative HS 300/HE 100 (giá 20 USD) âm thanh trung thực, không bị nhiễu tạp âm, rất thích hợp cho chat và gọi điện quốc tế. Còn Webcam 1.3 Megapixel có tính năng khá hoàn hảo, khi chat hình ảnh không bị giựt và nếu có phóng lớn cũng không bị bể. Tiện ích nhất là webcam này dùng được cho cả desktop (màn hình), notebook (danh bạ).
Với những bạn trẻ như V, H…, mua sắm hàng hiệu là một thú giải trí, một trò khám phá để xóa đi sự nhàm chán trong cuộc sống(!?). Sở hữu một món đồ hiệu trong thời gian dài khiến họ mệt mỏi với việc bảo dưỡng, chăm chút giữ gìn rồi lo lắng cho sự lỗi mốt của nó. Họ cần sự thay đổi liên tục, còn tiền bạc không thành vấn đề, bởi cái họ cần là thể hiện “đẳng cấp” và “phong cách” bản thân! Tuy nhiên, chỉ một số ít bạn trẻ có hầu bao rủng rỉnh, số còn lại cũng khá eo hẹp nên để thỏa mãn “chơi trội”, có người chấp nhận xài đồ cũ, chứ cương quyết không dùng đồ mới mà không có “hiệu”. Các điểm bán đồ “second hand” trên đường Phan Đình Phùng là nơi mà các bạn trẻ này thường lui tới. Tuy nhiên, số điểm bán đồ cũ chẳng thấm vào đâu so với các shop thời trang. Nếu cách đây vài năm, TP Tuy Hòa chỉ có vài shop bán quần áo khá đơn điệu thì hiện nay, shop thời trang phong cách trẻ, phong cách xì-tin mọc lên khá nhiều. Những shop như My King, NyNy (đường Lê Thánh Tôn), Tiến Trai (đường Nguyễn Huệ), O2, Nice Wear (Trần Hưng Đạo)… luôn thu hút các bạn thế hệ 8X và 9X đến mua sắm.
Có lẽ chỉ thời trang mới đồng hành với thói “đỏng đảnh” và hay thay đổi của các bạn trẻ này. Một chiếc mũ đội đầu, chiếc điện thoại di động, bộ quần áo, chiếc váy, túi xách và các loại trang sức, phụ kiện đi kèm, tất cả đều có thể mua hoặc đổi cho nhau. Tuy nhiên, bên cạnh “mác” hàng hiệu, phong cách xì-tin, thì không đụng hàng cũng là yếu tố lựa chọn đầu tiên khi bạn trẻ móc hầu bao mua sắm.
Những bạn trẻ luôn muốn mình sành điệu rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Bán những cái đã mua và mua những gì được bán lại. Nhưng không phải ai cũng “nghiện” mốt và sính hàng hiệu. Nhiều bạn trẻ vẫn cần các sản phẩm có giá trị, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý chứ không phải là quá đắt với túi tiền học sinh, sinh viên. Mặt khác, không phải tất cả hàng hóa gắn nhãn mác nước ngoài đều tốt. Hàng giả, hàng nhái tràn lan, và có những người đã mất hàng triệu đồng cho một món đồ mang nhãn hiệu nổi tiếng, song hóa ra được sản xuất bên… Trung Quốc. Và hơn hết, hàng hiệu dù đắt và tốt đến đâu cũng không tôn thêm giá trị con người.