Chị Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) hỏi: Tôi nghe nói từ năm 2007, chế độ nghỉ dưỡng sức đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Xin BHXH cho biết việc giải quyết chế độ nghỉ dưỡng – phục hồi sức khỏe cho người lao động được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Theo Luật BHXH, được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 152/2006/NĐ, thì từ năm 2007 trở đi, chế độ nghỉ dưỡng sức – phục hồi sức khỏe (NDS-PHSK) có những thay đổi như sau:
Thanh toán theo thực tế phát sinh, không khoán quỹ cho từng đơn vị sử dụng lao động như trước nữa. Với phương thức này, việc sử dụng quỹ BHXH cho trợ cấp NDS – PHSK sẽ linh hoạt hơn, không còn tình trạng nơi thừa nơi không sử dụng hết, nơi không đủ quỹ để chi như đã xảy ra trước đây.
Diện sức khỏe yếu sau khi điều trị ốm đau chỉ được hưởng trợ cấp sau khi đã nghỉ hết thời gian tối đa cho phép trong 1 năm. Những trường hợp chưa nghỉ hết thời gian tối đa cho phép trong 1 năm và sức khỏe còn yếu thì tiếp tục hưởng trợ cấp ốm đau, không được chọn hưởng chế độ NDS – PHSK.
Không áp dụng cho những trường hợp đã đóng BHXH đủ 3 năm trở lên mà sức khỏe suy giảm (như trước đây).
Điều kiện cụ thể để được hưởng trợ cấp NDS-PHSK:
Theo Luật BHXH, trợ cấp NDS-PHSK bao gồm các trường hợp sau:
a/ Sau thời gian nghỉ ốm đau hết thời gian cho phép trong 1 năm mà sức khỏe người lao động còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức với thời hạn như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với trường hợp sau khi bị bệnh dài ngày.
- Tối đa 7 ngày đối với trường hợp sau khi điều trị bệnh có phẫu thuật.
- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
b/ Lao động nữ sau khi nghỉ do sẩy thai, nạo – hút thai, thai chết lưu hoặc sau khi nghỉ để nuôi con mà sức khỏe còn yếu thì được NDS-PHSK với thời hạn như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với người sinh đôi trở lên.
- Tối đa 7 ngày đối với trường hợp sinh con phải mổ.
- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
c/ Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được NDS-PHSK với thời hạn như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.
- Tối đa 7 ngày đối với suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%.
- Bằng 5 ngày đối với suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
Mức trợ cấp 1 ngày NDS-PHSK được quy định như sau:
Mức trợ cấp hiện nay bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình. Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Mức lương tối thiểu chung tính tại thời điểm nghỉ hiện nay là 540.000 đồng.
Việc xét duyệt do người sử dụng lao động và BCH Công đoàn cơ sở quy định, lập danh sách để thanh toán với cơ quan BHXH. Nếu tổ chức nghỉ ở cơ sở tập trung thì ghi rõ nơi nghỉ.
Thời gian và thủ tục giải quyết chế độ DS-PHSK được thực hiện như sau:
- Thời gian người lao động được nghỉ DS-PHSK là thời gian liền kề sau khi người lao động nghỉ hết thời gian ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp như quy định trên.
- Hồ sơ nghỉ DS-PHSK gồm có: Danh sách người lao động đề nghị hưởng trợ cấp nghỉ DS-PHSK sau ốm đau, sau thai sản, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động, bệnh tật do bệnh nghề nghiệp (theo mẫu); văn bản của đơn vị sử dụng lao động đề nghị giải quyết trợ cấp DS-PHSK.
- Hàng tháng hoặc hàng quý, đơn vị có trách nhiệm gửi hồ sơ giải quyết chế độ nghỉ DS-PHSK cho cơ quan BHXH để thẩm định và quyết toán theo quy định.
BHXH TỈNH PHÚ YÊN