“Nhạc sống” hiện nay đã trở thành nhu cầu giải trí của nhiều người trong những dịp liên hoan, đám tiệc. Tuy nhiên, “nhạc sống” đã bị lạm dụng quá mức làm phát sinh một số vấn đề không hay.
Một thực tế dễ nhận thấy hiện nay, phong trào hát “nhạc sống” ở Phú Yên rất phổ biến trong cuộc sống từ thành phố đến nông thôn, và dường như được xem là một “món ăn” không thể thiếu trong “thực đơn” từ tiệc nhỏ hay một đám cưới lớn ở nhà hàng.
Tất nhiên, không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của “nhạc sống” khi nó mang lại sự hứng thú, vui vẻ, đáp ứng nhu cầu ca hát của những “ca sĩ nghiệp dư” đủ mọi thành phần, tạo sự gắn kết giữa mọi người, là nơi để nhiều người thể hiện chất giọng của mình. Tuy nhiên, hình thức sinh hoạt này cũng gây ra nhiều phiền toái cho một số người khi dự tiệc...
Khi đi dự đám cưới của người thân, bạn bè ở nhà hàng, chương trình “nhạc sống” đã gây không ít phiền phức và có nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Sau nghi thức hai bên gia đình của đôi uyên ương ra mắt và nói lời cảm ơn sự có mặt của thân tộc hai họ, bạn bè thân hữu hai bên sui gia... thì “nhạc sống” bắt đầu khai diễn. Với không gian khán phòng không lớn, ngoài việc đông đảo khách dự tiệc cùng với dàn âm thanh 6 thùng loa, mỗi thùng loa trên 500W cùng phát với âm thanh của các nhạc cụ kèm theo làm cho những người ngồi dự tiệc muốn tâm sự chỉ có thể dùng ngôn ngữ “tay quơ” (ra hiệu bằng tay). Đặc biệt bàn tiệc dành cho hai họ, nhà hàng thiết kế gần sân khấu và gần các loa nên họ hàng sui gia hai bên không thể trao đổi được gì.
Còn ở nông thôn, bất kể tiệc gì, không chỉ đám cưới, đám hỏi mà đến cả đám thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật hay thậm chí không cần đến tiệc tùng, hễ một vài người có nhu cầu thì chỉ cần một cuộc điện thoại là có ban nhạc đến phục vụ tận nhà. Ông Nguyễn Văn Tá, “bầu sô” của một ban “nhạc sống” ở thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, cho biết: Sắm sửa dàn nhạc chủ yếu là để thỏa mãn đam mê ca hát của mình và phục vụ cho bà con. Đám tiệc bây giờ người ta thường thuê dàn nhạc phục vụ cho vui. “Nhạc sống” bây giờ thông dụng lắm, tùy vào chất lượng của dàn âm thanh mà mức giá thuê cũng khác nhau, nhưng ít nhất khoảng 2 triệu đồng/tiệc”.
Thiết nghĩ, đối với những gia đình khá giả thì số tiền đó không đáng là bao, nhưng với những người eo hẹp về tài chính thì đây là điều cần phải suy nghĩ.
Hiện nay, với giá 100.000 đồng/giờ, “nhạc sống” được nhiều người thuê về để hát ca. Người lịch sự, họ chỉ hát đến 20 giờ là nghỉ, nhưng có nhiều người lại chơi đến 3-4 giờ sáng hôm sau, khiến cả xóm mất ngủ. Một hệ lụy khác cần quan tâm, đó là việc các thanh niên khi đã có hơi men thường kích động theo tiếng nhạc nên có hành động nhảy múa, nhiều khi dẫn đến xô xát, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.
Vì thế, các ngành chức năng cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục, để “nhạc sống” đúng là loại hình văn hóa bổ ích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí của người dân.
NĂM ĐÀ NÔNG