Sáng hôm ấy, ăn bánh canh tại một quán vỉa hè trên đường Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa), tôi chứng kiến một cảnh trái ngược.
Giáo dục tính tự lập ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ trưởng thành vững vàng (Trong ảnh: Bé tập tô màu) - Ảnh: B.THẠCH |
Một bé gái lứa tuổi nhà trẻ, sau khi mẹ đặt tô bánh canh từ tay chủ quán ngay phía trước mặt, đã tự động ngồi vào bàn, lấy muỗng lau sạch sẽ rồi từ tốn xúc ăn ngon lành cho đến khi hết sạch. Sau đó, bé nhờ mẹ rót ly nước để uống và lấy giấy lau miệng rất cẩn thận. Nhìn cái cách bé gái ngồi ăn, ông trung niên cùng bàn với tôi nhận xét: Bé này chắc chắn được cha mẹ dạy dỗ chu đáo ngay từ hồi nhỏ xíu nên mới có chút tuổi mà đã tự lo được. Như vậy mới gọi là giáo dục chứ!
Hai phút sau, một người mẹ khác chở con đến ăn bánh canh. Đọc phù hiệu, tôi biết cậu bé là học sinh lớp 2 của trường tiểu học trên địa bàn phường. Như đã thành thói quen thường ngày, sau khi gọi tô bánh canh, bà mẹ trẻ kiên trì ngồi đút từng muỗng cho con trai. Thỉnh thoảng cậu bé lại nũng nịu làm bộ làm tịch khiến người mẹ phải năn nỉ. Ngồi chứng kiến cảnh tượng hơi bị “tréo ngoe” này, tôi cảm thấy “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”…
Lâu nay, chúng ta thường nói phần lớn thanh niên Việt Nam rụt rè, tự ti trong cuộc sống, nhất là khi đi ra nước ngoài hay tiếp xúc với dân Tây, lúc nào cũng “lớ ngớ lờ ngờ lơ ngơ như gà công nghiệp”! Đây chính là một thực tế và có nguyên nhân của nó. Đó là do các bậc cha mẹ đã chăm lo quá đáng con cái ngay từ khi chúng còn bé. Từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cho đến đại học, nhiều cha mẹ hầu như không cho con cái động chân động tay vào bất cứ chuyện gì, cứ lúc nào cũng sợ con bị “ảnh hưởng” vì những việc không đâu! Thành thử, lớn lên trong môi trường được “bao cấp” toàn bộ, con trở nên lười biếng, thụ động, ỷ lại từ việc học hành cho đến ứng xử với cuộc sống vốn có nhiều mối quan hệ rối rắm và phức tạp. Đến lúc rời khỏi vòng tay bảo bọc của cha mẹ, có khi con cái không thích ứng được với dòng chảy cuộc đời vốn không phải lúc nào cũng êm thuận, từ đó rơi vào những bi kịch không đáng có.
Giáo dục, rèn luyện tính tự lập cho con cái ngay từ nhỏ (bắt đầu từ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, tiểu học) và từ những việc đơn giản nhất hàng ngày là điều không đơn giản nhưng rất cần được các bậc cha mẹ thường xuyên quan tâm. Bởi vì có như vậy, sau này lớn lên, chúng mới trưởng thành vững chải trong cuộc sống vốn đầy rẫy những áp lực, mới trở thành những công dân đúng nghĩa. Còn giáo dục, dạy dỗ tính tự lập như thế nào thì tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình nhưng quan trọng nhất phải đảm bảo tính khoa học, nhân văn và nhất là phải biết tôn trọng nhân cách của trẻ.
HOÀNG LÊ VÂN
(phường 7, TP Tuy Hòa)