Hiện nay, trên địa bàn phường 7 (TP Tuy Hòa) hầu như khu phố nào cũng có… cổng chào, gọi nôm na là “cổng chào khu phố”, như: cổng chào khu phố Bà Triệu, cổng chào khu phố Nguyễn Đình Chiểu, cổng chào khu phố Trường Chinh…
Thường các cổng chào có dạng hai trụ to hai bên, được đặt đầu con đường được cho là lối chính vào khu phố, bên trên gắn biển tên khu phố (A, B…) - khu phố văn hóa. Kinh phí xây dựng khoảng vài chục triệu đồng/cổng, thế nhưng, từ sau trận bão năm 2009 nhiều cổng chào khu phố bị cuốn mất phần biển tên nhưng không được tu sửa và “bỏ hoang” đến nay.
Tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu thì được biết, cổng chào có nguồn gốc từ… cổng làng. Cổng làng là bộ mặt, biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện cốt cách, tư chất của người dân trong làng. Phía sau cánh cổng làng chính là sự kết nối cộng đồng làng xã, dòng tộc, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt. Đó là một phần của văn hóa làng.
Hiện nay, cổng chào phần lớn nặng về tượng trưng với giá trị lịch sử hoặc mỹ thuật. Và không chỉ ở làng quê mà ở đô thị người ta cũng xây cổng… khu phố. Hàm ý của việc làm này cũng bắt nguồn từ nét đẹp “văn hóa cổng làng”. Tuy nhiên, ở đô thị không giống nông thôn. Ở nông thôn, sự có mặt, tồn tại của cổng làng là đương nhiên. Còn ở khu phố, cấu trúc của nó hoàn toàn không giống với làng, vì vậy, việc khu phố nào cũng xây cổng khu phố (cổng chào) là điều cần phải cân nhắc, xem xét kỹ. Nếu xây cổng chào mà thể hiện được nét văn hóa, sinh hoạt đặc trưng của người dân và khu phố đó, chứa đựng những điều tốt đẹp của cuộc sống mới thì cũng là việc nên làm. Còn nếu xây cổng chào sao cho hoành tráng, để “đánh bóng hình ảnh” nhưng không chú ý đến cấu trúc, trang trí, giao thông, nhất là yếu tố văn hóa, đặc biệt xây xong rồi “bỏ hoang” thì rất không nên.
ĐẶNG NGA
(phường 7, TP Tuy Hòa)