Báo Phú Yên vừa nhận đơn kiến nghị của 10 hộ dân ở thôn Phú Điềm, xã An Hòa (huyện Tuy An) ảnh hưởng bởi dự án ADB.3 (dự án Khôi phục và cải tạo quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang năm 1999), nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận tiền đền bù, trong khi biên bản đền bù, hỗ trợ về đất đai và tài sản lại có chữ ký của ai đó. Ngoài ra, một số hộ dân ở đây cũng phản ảnh việc áp giá đền bù đất để triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 chưa thỏa đáng.
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, phóng viên Báo Phú Yên gặp ông Trình Quang Khánh ở thôn Phú Điềm. Ông Khánh cho biết: “Hiện 107m2 đất của gia đình tôi đã giải tỏa để mở rộng quốc lộ 1, nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tuy An chỉ áp giá đền bù theo loại đất vườn. Trong khi đó, diện tích đất thu hồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và lâu nay gia đình tôi đóng thuế theo giá đất ở. Vì vậy, việc áp giá đền bù theo loại đất vườn gây thiệt thòi cho gia đình tôi rất nhiều”.
Thực tế, gia đình ông Trình Quang Khánh cư trú nhiều thế hệ trên mảnh đất và có hộ khẩu riêng. Toàn bộ diện tích đất mà ông Khánh cho con trai Trình Quang Chánh mở quán cà phê nằm trong diện giải tỏa.
Ở cùng thôn với ông Khánh, ông Trần Châu cho hay: “244m2 đất của gia đình tôi đã thu hồi để triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, nhưng tôi chỉ mới nhận tiền đền bù của 113m2, phần còn lại đang chờ UBND xã An Hòa chi trả sau. Riêng dự án ADB.3 năm 1999, gia đình tôi chưa nhận tiền đền bù, nhưng trong biên bản đền bù, hỗ trợ về đất đai và tài sản ảnh hưởng bởi dự án Khôi phục và cải tạo quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang của gia đình lại có chữ ký của ai đó, trong khi tôi chưa nhận đồng nào tiền đền bù”.
Tương tự, ông Phạm Văn Hùng cũng ở thôn Phú Điềm cho biết năm 1999, theo hồ sơ của dự án ADB.3 mà ông Hùng đang lưu giữ, gia đình ông phải giải tỏa 38,7m2 đất. Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 năm 2014 tiếp tục giải tỏa 2m đất nữa để bổ sung vào dự án ADB.3 năm 1999 cho đủ diện tích, nên không được tính tiền đền bù. Thế nhưng đến nay, hộ ông Hùng vẫn chưa được nhận tiền đền bù, kể từ năm 1999. Ông đã làm đơn khiếu nại lên UBND xã An Hòa, UBND huyện Tuy An và mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tuy An gửi hồ sơ áp giá đất đền bù của dự án, kèm theo “Biên bản đền bù, hỗ trợ về đất đai và tài sản của gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án Khôi phục và cải tạo quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang” cho ông, nhưng hồ sơ không ghi ngày, tháng, năm. Và cũng giống như ông Châu, ở phần ký tên của ông Hùng, ai đó đã ký vào, trong khi ông thì chưa nhận được tiền đền bù.
Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1265-km1353+300 thuộc tỉnh Phú Yên có chiều dài tuyến là 86,54km và có 5.116 hộ dân bị trúng giải tỏa mặt bằng. Riêng đoạn qua địa phận xã An Hòa, huyện Tuy An là 2,2km với 200 hộ ảnh hưởng, trong đó có 8 hộ được cấp đất tái định cư và 6 hộ tái định cư tại chỗ. Đối với dự án ADB.3 năm 1999, 10 hộ dân ở thôn Phú Điềm kiến nghị họ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ, nhưng trong biên bản đền bù, hỗ trợ đất đai của dự án ADB.3 năm 1999 đều có chữ ký của họ. Khi các hộ yêu cầu các ngành liên quan cung cấp hồ sơ gốc để đối chiếu thì tất cả đều trả lời đã bị thất lạc!
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: “Dự án ADB.3 năm 1999 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, UBND xã An Hòa chỉ phối hợp với các đoàn thể vận động các hộ dân chấp hành để giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Còn việc áp giá đền bù, hỗ trợ đất đai cho các hộ dân bị giải tỏa đất là do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tuy An và các ban ngành có liên quan chi trả. Đối với dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 năm 2014, hiện tại các hộ dân phải giải tỏa mặt bằng đã thỏa thuận nhận tiền đền bù. Chỉ còn 2 hộ vướng vào loại đất ở và đất vườn, UBND xã An Hòa chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tuy An, cho biết: “Theo Quyết định 315 của UBND tỉnh, mỗi hộ dân được xây dựng nhà ở trên diện tích 250m2. Nếu hộ nào đã xây dựng các công trình cho nhà ở trên 250m2 đất thì phần còn lại sẽ áp giá theo loại đất vườn. Còn hộ nào xây dựng nhà ở chưa đủ 250m2 thì được tính 50% đất nhà ở và 50% đất vườn. Riêng hộ ông Trình Quang Khánh đã xây dựng nhà ở trên diện tích 250m2 đất theo quy định, phần còn lại phải áp giá đền bù theo loại đất vườn. Riêng dự án ADB.3 năm 1999, hiện hồ sơ gốc đã bị thất lạc và tiền chi trả đền bù đều do ban chỉ đạo giải tỏa đền bù được thành lập gồm các thành viên trong các ban ngành huyện có liên quan. Nhưng hiện nay, ban này đã giải thể, các thành viên đã nghỉ hưu, chuyển công tác… chúng tôi chỉ là người tiếp nhận nên không biết”.
Theo đơn của ông Trình Quang Chánh, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông đã thu hồi để mở rộng quốc lộ 1 (phần đất cha mẹ cho ông), vợ chồng ông và 2 con nhỏ đang ở tạm trong quán cà phê. Ông Chánh không yêu cầu nhận tiền đền bù mà được nhận một lô đất tương ứng để làm nhà ở tránh mưa nắng, nhất là khi mùa mưa sắp tới.
Ông Đặng Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: “Huyện thực hiện theo Thông báo 670 ngày 14/11/2013 của UBND tỉnh, tất cả những hộ dân chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ của dự án ADB.3 năm 1999 thì viết giấy cam kết. UBND huyện sẽ tổng hợp và trình lên UBND tỉnh để chi trả bổ sung tiền đền bù theo giá đất hiện tại. Nếu sau này, cơ quan chức năng phát hiện hộ nào đã nhận tiền mà tiếp tục nhận nữa thì sẽ thu hồi lại và xử lý theo pháp luật”.
Vấn đề đặt ra là những hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất của dự án ADB.3 năm 1999 mà có chữ ký nhận tiền của ai đó thì xử lý như thế nào? Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo sự công bằng theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
KHÔI NGUYÊN