Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và nhân rộng mô hình CLB Nông dân với pháp luật tại các địa phương trong tỉnh.
Qua thời gian hoạt động, mô hình này đã phát huy được hiệu quả, là cầu nối đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với hội viên nông dân ngay tại cơ sở, góp phần ổn định ANTT ở địa phương.
Đưa pháp luật đến gần với nông dân
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng, những năm trước đây, nhiều hội viên hiểu pháp luật, các chính sách mới liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn… còn hạn chế, dẫn đến một số mâu thuẫn, xích mích nhỏ. Thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội lựa chọn xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm CLB Nông dân với pháp luật.
“Mỗi CLB có từ 30-50 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt do chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội nông dân xã làm chủ nhiệm. Các CLB đều xây dựng quy chế hoạt động và duy trì sinh hoạt theo tháng. Nội dung sinh hoạt tập trung vào việc phổ biến kiến thức pháp luật theo từng chuyên đề cụ thể; tư vấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật theo yêu cầu của hội viên; tham gia hòa giải các vụ việc; giới thiệu các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan trực tiếp đến nông dân như: Quy định về chính sách thu hồi đất; thừa kế; phòng chống bạo lực gia đình…”, ông Dũng cho hay.
Tại xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), sau gần 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, CLB Nông dân với pháp luật xã này đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên tại các chi, tổ hội với 80 thành viên; tích cực phối hợp cùng UBND xã tổ chức giải quyết đơn thư kiến nghị và hòa giải 11 trường hợp tranh chấp đất đai của bà con nhân dân. Ông Dương Lượng, hội viên nông dân ở thôn Long Thạch cho biết: Các buổi sinh hoạt, tọa đàm đã giúp thành viên CLB có cơ hội được giải đáp và tư vấn miễn phí những thắc mắc của mình về các vấn đề liên quan đến pháp luật, từ đó chúng tôi biết nên và không nên làm gì để không vi phạm pháp luật.
Còn theo bà Lê Thị Thoa, đại diện Ban Chủ nhiệm CLB Nông dân với pháp luật xã Xuân Hải (TX Sông Cầu), rất nhiều nông dân không am hiểu pháp luật nên khi vướng phải những vấn đề liên quan đến pháp luật thì họ rất bị động, không biết kêu ai và kêu chỗ nào cho đúng nên họ đã khiếu kiện vượt cấp, không đúng nơi, đúng chỗ và tất nhiên là kết quả không cao.
“Từ khi thành lập CLB, bà con nông dân xem đây là nơi hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống và thực hiện hành vi pháp luật. Cũng từ đó, các vụ mâu thuẫn, khiếu nại trên địa bàn xã cũng giảm bớt, các mâu thuẫn được giải quyết ngay từ cơ sở, có hướng hòa giải kịp thời. Ngoài ra, các thành viên trong CLB đã tích cực phối hợp cùng các ban ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về giải phóng mặt bằng và khiếu kiện đông người đến từng hộ dân”, bà Thoa chia sẻ.
Gần 50 mô hình hoạt động hiệu quả
Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập và nhân rộng gần 50 CLB Nông dân với pháp luật với hơn 2.000 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Bằng, Trưởng ban Xây dựng hội, Hội Nông tỉnh cho hay: Ngoài việc thành lập các mô hình cụ thể, công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách cho hội viên, nông dân cũng được các cấp hội đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hơn 1.000 lượt hội viên tham gia. Tại các địa phương, các cấp hội tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật lồng ghép cho cán bộ, hội viên nông dân thông qua hơn 1.200 buổi sinh hoạt chi, tổ hội cho trên 60.000 lượt người.
Ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa chia sẻ: Để duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB, hằng năm, ban thường vụ hội đều có văn bản hướng dẫn về việc tổ chức sinh hoạt, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về tư vấn, tuyên truyền cho thành viên trong ban chủ nhiệm CLB; đồng thời cung cấp thêm cho ban chủ nhiệm CLB tờ rơi, tờ gấp, sách, tài liệu về những văn bản pháp luật mới được ban hành có hiệu lực để ban chủ nhiệm kịp thời cập nhật góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB.
Còn theo ông Nguyễn Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, sự ra đời của CLB Nông dân với pháp luật ở các địa phương trên địa bàn huyện đã tạo ra phong trào đọc và tìm hiểu pháp luật trong đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là nông dân. “Từ khi mô hình các CLB này ra đời và hoạt động đã góp phần giảm 70-80% số vụ khiếu kiện tập thể, vượt cấp trên địa bàn huyện”, ông Siêng phấn khởi nói.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: CLB Nông dân với pháp luật là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân. Thông qua hoạt động của các CLB này, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời đến hội viên, nông dân; giúp hội viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nâng cao hiểu biết pháp luật. Mặt khác, CLB còn tạo điều kiện để mỗi hội viên trở thành một tuyên truyền viên pháp luật tích cực vận động người thân trong gia đình, địa bàn mình cư trú chấp hành pháp luật.
Đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã nhân rộng và thành lập được gần 50 mô hình CLB Nông dân với pháp luật với hơn 2.000 hội viên tham gia. |
NGỌC HÂN