Chủ Nhật, 12/01/2025 20:07 CH
“Bà đỡ” mát tay của nhiều dự án do phụ nữ khởi nghiệp
Thứ Ba, 03/12/2024 13:00 CH

Chị Lê Thị Trà My (thứ hai từ phải sang) khảo sát làng nghề chiếu cói An Cư, xã An Cư, huyện Tuy An để phát triển dự án du lịch trải nghiệm. Ảnh: CTV

Từng có dự án được ươm tạo khởi nghiệp bởi các quỹ đầu tư uy tín của Việt Nam; hiện là chuyên gia hỗ trợ triển khai các dự án khởi nghiệp, dự án du lịch cộng đồng quy mô lớn của địa phương, chị Lê Thị Trà My (xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa) đã trở thành “bà đỡ” mát tay chắp cánh cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ vươn cao.

 

Kinh nghiệm từ xây dựng dự án đến khởi nghiệp thực chiến

 

Tôi gặp Lê Thị Trà My lúc chị đang bận rộn gầy dựng lại Caroline’s Happy Hut Farmstay thuộc HTX Du lịch cộng đồng và Giáo dục Caroline tại thôn Thạch Tuân 1, xã Hòa Xuân Đông sau thời gian khó khăn của dịch COVID-19.

 

My cho biết, đây là dự án chị cùng các bạn hoàn chỉnh ý tưởng từ thời sinh viên để tham gia cuộc thi “Tôi, khởi nghiệp năm 2017” do Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh tổ chức. Kết thúc cuộc thi, khi các bạn tìm lối đi riêng cho mình thì My tiếp tục theo đuổi bằng cách phát triển thêm dự án, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp khác và gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như: Giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên 2019”; top 5, khởi nghiệp du lịch thông minh Việt Nam 2019 do Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức; được ươm tạo khởi nghiệp bởi Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam.

 

Với mong muốn hiện thực hóa dự án nhiều ấp ủ và tâm huyết, My về quê ở thôn Thạch Tuân và gầy dựng một nông trại lấy tên Caroline’s Happy Hut. Trên một ốc đảo lọt thỏm giữa cánh đồng, như cách gọi của My, những ý tưởng trên giấy đã dần thành hình với khu vực lưu trú bằng tre nứa, một nông trại cung cấp rau hữu cơ để du khách có thể trải nghiệm làm nông nghiệp.

 

Khác với những năm trước, lần xây dựng lại này không chỉ tập trung các hoạt động tại nông trại mà được mở rộng bằng các tour trải nghiệm tại các vườn, các nhà hộ dân khác trong làng, trong thị xã. Từ sự chỉn chu, tỉ mỉ, nông trại đón nhiều du khách quốc tế với lượng khách lưu trú luôn ổn định ở mức hơn 70% công suất phòng.

 

Chia sẻ về hành trình về quê của mình, My cho biết: “Vốn liếng không nhiều nên trong quá trình xây dựng nông trại, chỉ những công việc nặng nhọc tôi mới thuê người, còn lại đều tự tay làm hết. Nhờ thông thạo tiếng Anh, tôi kết nối và bắt đầu đón các tình nguyện viên quốc tế vào cuối năm 2019. Các tình nguyện viên nước ngoài không chỉ hỗ trợ trong việc xây dựng nông trại mà còn giúp đón khách. Cùng năm đó, tôi mở thêm lớp tiếng Anh cho các em nhỏ ở vùng quê để hỗ trợ các em được học tiếng Anh với chi phí thấp. Hiện tại, nông trại đã đi vào hoạt động ổn định”.

 

Từ niềm đam mê khởi nghiệp cùng kiến thức căn bản khi được ươm tạo ở các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp uy tín và trải nghiệm thực tế khi xây dựng và điều hành farmstay, My được Hội LHPN tỉnh mời báo cáo tại các hội nghị tập huấn về khởi nghiệp cho phụ nữ và hiện là chuyên gia của nhiều dự án phát triển du lịch cộng đồng do các địa phương quản lý.

 

Chị Trần Đinh Thị Minh Duyên (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn du khách tham quan vườn cam của HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Orange Farm (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa). Ảnh: CTV

 

Nâng bước cho phụ nữ khởi nghiệp xanh

 

Từ năm 2022 đến nay, chị Trà My đã tư vấn triển khai mô hình và thành lập được 10 HTX trong lĩnh vực du lịch cộng đồng - du lịch nông thôn. Trong đó, 2 HTX có sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương, còn lại là HTX tư nhân do phụ nữ làm chủ, phát triển theo hướng xanh, hữu cơ, không rác thải và bền vững.

 

Chị My chia sẻ: Xu thế của thế giới, trong đó có các tổ chức đã và đang triển khai hoạt động tại Phú Yên như Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên và các chương trình ươm tạo khởi nghiệp của các quỹ đầu tư ở Việt Nam đều đặt nặng tiêu chí môi trường, phát triển xanh và bền vững nên tôi luôn hướng các HTX do mình hỗ trợ đi theo hướng phát triển này.

 

Có một lợi thế là hiện nay phụ nữ khi khởi nghiệp đều mong muốn gắn với sản xuất xanh, bền vững. Bản thân mỗi chị đã nhen nhóm ý tưởng làm trái cây sinh thái, ủ phân hữu cơ, làm du lịch xanh… nên các chị chủ động tìm tòi hướng đi riêng, chủ động sản xuất những sản phẩm an toàn và khi được hướng dẫn cụ thể, các chị phát triển các dự án rất nhanh.

 

Chị Trần Đinh Thị Minh Duyên, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Orange Farm (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) chia sẻ: Gia đình tôi chỉ có một vườn cam sạch nên khi loay hoay chưa biết phát triển như thế nào thì tôi gặp My. Nhờ sự hướng dẫn của chị mà chúng tôi thành lập được HTX và đã đón được nhiều lượt khách. Sắp tới, vườn sẽ cung cấp thêm các sản phẩm rau sạch được trồng hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất.

 

Ngoài ra, với ý tưởng kết hợp văn hóa địa phương vào hoạt động nông trại do chị My gợi ý, ở mỗi góc vườn, chúng tôi đang quy hoạch tỉ mỉ để tái hiện khung cảnh quê hương xưa, với những cây ăn trái, vườn rau xanh tươi và các khu vực trưng bày công cụ nông nghiệp truyền thống.

 

Đến với vườn, du khách không chỉ ngắm nhìn vườn cam mà còn trải nghiệm những hoạt động nông nghiệp gần gũi như chăm cây, hái trái, nhặt trứng gà và tham gia các buổi học nhỏ về cách trồng trọt từ chính những người nông dân lành nghề. “Việc làm du lịch như thế này cũng giống như nếp làm việc, sinh hoạt của gia đình tôi nhưng bài bản hơn, xanh hơn, sản phẩm sạch hơn nên rất dễ áp dụng”, chị Duyên cho biết.

 

Với chị My, khởi nghiệp không cần phải đao to búa lớn và không cần nhiều vốn. Chị sẽ đến tận nơi để khảo sát, sau đó dựa trên cơ sở hiện có để lập một dự án phù hợp, ít tốn kém nhất nhưng vẫn đảm bảo cho sự phát triển.

 

“Tôi tư vấn các dự án khởi nghiệp nói chung, trong đó chú trọng vào các dự án du lịch cộng đồng - du lịch nông thôn. Điều quan trọng là không cần tốn kém quá nhiều mà vẫn có thể khai thác được thế mạnh hiện có từ cơ sở ban đầu để tạo nên sản phẩm độc đáo thu hút du khách, mang lại thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường. Tôi nhận thấy rằng, phụ nữ ngày nay năng động, sáng tạo, đầy tiềm năng nên tôi mong muốn được đồng hành cùng các chị trong các dự án khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp xanh và bền vững”. 

 

Lê Thị Trà My sinh năm 1995, tốt nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh và có dự án được Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam ươm tạo khởi nghiệp. Trưởng thành trong môi trường khởi nghiệp năng động, chị My đang điều hành HTX Du lịch cộng đồng và Giáo dục Caroline và là chuyên gia hỗ trợ nhiều dự án khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Phú Yên. Trong đó, Dự án du lịch cộng đồng Hòn Yến (huyện Tuy An), mô hình Du lịch nông nghiệp sinh thái vườn Ông Kịp (huyện Phú Hòa), HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Orange Farm (TX Đông Hòa), HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Chóp Chài (huyện Phú Hòa)… đều đang vận hành hiệu quả.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek