Sau 5 năm triển khai các đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (đề án 938) và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (đề án 939) trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, cải thiện điều kiện sống.
Chủ động tham gia các hoạt động xã hội
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện đề án, trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) đã triển khai các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh. Bước đầu đã huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế thông qua các chương trình Mẹ đỡ đầu, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Phong trào xây dựng Mái ấm tình thương và khai thác được một số dự án phi chính phủ để hỗ trợ hoạt động thực hiện hai đề án.
Bên cạnh các hoạt động của Hội LHPN tỉnh còn có sự chung tay, hỗ trợ của các ngành liên quan, kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Cụ thể như, triển khai thực hiện đề án 938, Công an tỉnh đã tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt quan tâm công tác phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình, xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh…
Theo Hội LHPN tỉnh, thời gian qua, nhiều mô hình được củng cố, thành lập mới nhằm thực hiện các mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trong đó, 3 câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) và xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) đã góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã. 165 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được duy trì để tiếp nhận, hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra, các mô hình An toàn giao thông, An toàn thực phẩm, Mái nhà an toàn... tạo điều kiện cho chị em tích cực tham gia các hoạt động của hội, nâng cao vai trò, vị thế của mình trong xã hội…
Chị Rơ Ô Hờ Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa cho biết, triển khai thực hiện đề án 938, hội LHPN xã đã tổ chức 98 buổi tuyên truyền các nội dung liên quan đến đề án cho gần 2.000 lượt chị em tham gia. Tháng 9/2019, hội LHPN xã xây dựng kế hoạch và thành lập CLB Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có 13 thành viên tham gia. Đến nay, CLB đã tuyên truyền, vận động được 4 trường hợp và tiếp tục phân công từng thành viên trong CLB thường xuyên nắm bắt tình hình của con em hội viên, phụ nữ trên địa bàn thôn, buôn để kịp thời phát hiện và vận động.
Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp
Theo bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, vươn lên phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy, hội LHPN các cấp tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong 5 năm thực hiện đề án 939, hội LHPN các cấp đã làm cầu nối với các ngân hàng, giúp chị em tiếp cận vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hội LHPN các cấp cũng đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn cho trên 250 cán bộ và hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; hướng dẫn viết ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hướng dẫn các bước thành lập, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Qua đó giúp 75 chị em khởi nghiệp phát triển các ngành nghề, buôn bán nhỏ…
Là một trong những phụ nữ khởi nghiệp thành công, bà Lương Thị Huỳnh Triểm, chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Faimy 9, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, cho biết: “Nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Hội LHPN huyện Tây Hòa trong việc kết nối để được vay vốn ưu đãi cũng như tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến, tôi đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất bột ngũ cốc Faimy 9 và 5 sản phẩm khác. Riêng sản phẩm Bột ngũ cốc Faimy 9 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022. Hiện nay các sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong tỉnh, mang lại nguồn doanh thu ổn định cho cơ sở”.
Bà Trần Thị Binh cho biết: Các đề án 938 và 939 đã và đang được các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến hội viên phụ nữ và cộng đồng; nhận được sự đồng tình, ủng hộ các cấp, các ngành và toàn xã hội trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, mở ra cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ giai đoạn mới.
Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện đề án 938, 939 đề nghị: Thời gian tới, thường trực ban chỉ đạo cần chọn các nội dung cụ thể; đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho từng nội dung để thực hiện thật sự hiệu quả các nhiệm vụ. Các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành cùng vào cuộc; đẩy mạnh công tác triển khai các hoạt động của đề án 938, 939, xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ yếu thế, mô hình điểm theo chuỗi giá trị bền vững nhằm hỗ trợ, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đạt hiệu quả… |
THÁI HÀ