Thời gian qua, liên tiếp những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra đã gióng lên hồi chuông báo động. Các cơ quan chức năng cần phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy lùi tệ nạn này.
Can thiệp để bảo vệ trẻ em
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng được người dân phản ánh, tố giác và đã được cơ quan chức năng điều tra xử lý kịp thời, đối tượng gây bạo lực bị pháp luật nghiêm trị với bản án thích đáng. Trong tỉnh, tuy chưa xảy ra vụ việc nào trẻ em bị xâm hại, bạo lực nghiêm trọng, nhưng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên (Sở LĐ-TB-XH) cũng đã tư vấn chế độ chính sách, kết nối trợ giúp pháp lý và hỗ trợ tâm lý cho 35 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em, phụ nữ bị bạo hành gia đình, trẻ vị thành niên bị tổn thương tâm lý...
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên cho biết: Hiện nay, bạo lực trẻ em đang là vấn đề nóng cần quan tâm giải quyết và đề ra các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình. Bởi từ các cuộc gọi qua tổng đài hỗ trợ trẻ em 02573.890000 của tỉnh cho thấy, những vụ bạo lực trẻ em thường xuất phát từ chính ngôi nhà của các em, bởi người thân, thậm chí là cha mẹ.
Theo em Trần Lê Nhất Tâm (phường 4, TP Tuy Hòa), thỉnh thoảng, em vẫn hay bị ba mẹ quát mắng, vì người lớn chưa hiểu được tâm lý con trẻ nên dễ xung đột. Chị Bùi Trang Nhung ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) thì cho biết: Tôi có 2 đứa con gái đang tuổi mới lớn nên rất lo lắng. Gia đình vẫn thường xuyên nhắc nhở, trò chuyện cùng con để hiểu các vấn đề của con trẻ, chia sẻ với con những vấn đề liên quan đến cuộc sống, trong đó có cả những tình huống đặt ra về việc bị quấy rối tình dục và cách xử lý an toàn.
Thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các sở, ban ngành, địa phương luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Tất cả những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, dâm ô…) tác động rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị đẹp đẽ của đạo đức xã hội, sự phát triển của đất nước. Do đó, hành vi này cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời bởi sự tham gia phối hợp, chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, gia đình và toàn xã hội.
“Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp các sở, ban ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình và xã hội tiếp tục chung tay bảo vệ trẻ em, lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, giúp các em thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em đã được pháp luật quy định. Đồng thời rà soát, nắm chắc số liệu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.
KIM CHI