Đi trên đường phố hay đường nông thôn trong tỉnh, chúng ta vẫn thường bắt gặp những người bị bệnh tâm thần. Một số gia đình do không có điều kiện nên đành để người bệnh đi lang thang, làm cho bệnh tình của họ ngày càng trầm trọng.
Để hỗ trợ người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.
Kỹ năng, phương pháp chăm sóc NTT tại nhà
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó, 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Hầu hết gia đình bệnh nhân tâm thần đều khó khăn, thu nhập thấp, trong khi các chương trình và chính sách xã hội dành cho các đối tượng này còn hạn chế.
Ông Nguyễn Tấn Phát ở phường 2 (TP Tuy Hòa) có con mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, chỉ quanh quẩn trong nhà, ít tiếp xúc với người lạ nên nhút nhát. “Do tâm trí cháu bất thường nên gia đình không dám cho ra đường, không ai quản lý lỡ có chuyện gì thì khổ. Bình thường cháu rất hiền, nhưng khi trái gió trở trời bệnh tái phát, lúc nào cũng có người canh giữ chứ lơ đễnh là xảy ra chuyện bất trắc ngay”, ông Phát nói.
Mới đây, gia đình ông Phát được đi tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho NTT tại gia đình. Nhờ vậy, ông nắm bắt được những kiến thức cơ bản về tâm lý khi tiếp xúc với người bệnh, như nói năng nhỏ nhẹ, gần gũi với bệnh nhân… Những lúc bệnh nhân lên cơn kích động thì không lại gần để phòng ngừa bất trắc khi người bệnh không làm chủ được mình.
“Sau khi tập huấn, biết được những biểu hiện thường gặp của NTT, tôi chăm sóc bệnh tình cho con tốt hơn. Nhiều lúc cháu muốn nói, muốn một điều gì đó nhưng khó diễn đạt cho người khác hiểu. Đôi khi tỏ ra không hiểu và nhìn vô hồn vào khoảng không trước mặt. Gặp trường hợp này, tốt nhất là chúng ta đừng bận tâm đến và cứ tiếp tục nói chuyện”, ông Phát chia sẻ.
Em Võ Ngọc Duy ở xã An Định (huyện Tuy An), bao năm qua cũng vất vả nuôi người cha bị tâm thần, chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Hằng ngày ngoài giờ đi học, em dành thời gian chăm sóc ba bệnh tâm thần và lo cho gia đình. Bao năm qua, nhờ các cấp chính quyền, các tấm lòng hảo tâm cưu mang, hỗ trợ, cuộc sống gia đình em cũng tạm ổn”.
Theo ông Nguyễn Văn Tụy, chuyên viên Sở LĐ-TB-XH, phần đông NTT đều do gia đình tự quản lý và chăm sóc. Nhiều trường hợp gia đình quá khó khăn, nhất là cha mẹ già yếu không có điều kiện quản lý, chăm sóc nên phải dùng các hình thức xích chân, xích tay người bệnh hết sức thương tâm, làm cho bệnh tình của họ ngày càng trầm trọng. Nhiều trường hợp lên cơn bất thường dùng vật cứng đánh cha mẹ, người thân thương vong…
Dựa vào cộng đồng
Hai năm qua, do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, số lượng NTT, người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được trợ giúp kịp thời. Hơn nữa, các mô hình chăm sóc dựa vào cộng đồng, gia đình vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai. Các đơn vị chức năng đã đề ra giải pháp triển khai dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với NTT, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Chương trình nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng để tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng, giúp họ ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với NTT, người rối nhiễu tâm trí.
Theo ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn về công tác xã hội, trợ giúp và phục hồi chức năng cho NTT, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, nhằm giúp phục hồi chức năng, giúp họ ổn định cuộc sống. Việc phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội để trợ giúp sức khỏe NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng là giải pháp cần thiết và hữu hiệu nhất. Sự quan tâm, sẻ chia của gia đình và xã hội là liều thuốc tốt nhất giúp những bệnh nhân tâm thần phục hồi tốt và sớm hòa nhập cộng đồng.
“Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe NTT dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc bệnh nhân mới, quản lý tốt bệnh nhân cũ. Toàn tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025, ít nhất 80% NTT và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc NTT; thu hút ít nhất 20% NTT và người rối nhiễu tâm trí tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 60% đối tượng được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, cơ sở y tế...”, ông Hậu cho biết thêm.
HOÀNG LÊ