Chủ Nhật, 12/01/2025 05:46 SA
Cây da trăm tuổi ven đường
Thứ Sáu, 07/10/2022 14:00 CH

Cây da đại thụ dưới chân dốc Gò Làng, thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân cạnh quốc lộ 19C. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM

Những ngày nắng chói chang, đi trên quốc lộ 19C qua xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân nhá lên triệu đom đóm lửa, nhưng khi đến chỗ có gốc cây da trăm tuổi bên vệ đường dưới chân dốc Gò Làng, thuộc thôn Phước Nhuận, không khí bỗng mát rượi.

 

Tán xanh của cây da tỏa rộng, phủ bóng qua bên kia quốc lộ 19C. Có người mở quán bán nước mía dưới tán cây râm mát, phục vụ khách qua lại.

 

Cây đại thụ

 

Ông Tạ Quốc Trầm, 60 tuổi, nhà ở gần cây da nói trên kể: Tôi làm nghề mua heo về mổ lấy thịt đem ra chợ bán. Làm nghề này, tôi đi rất nhiều nơi, từ Xuân Quang 3 lên Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) rồi leo dốc lên tới Sơn Định (huyện Sơn Hòa), chưa từng thấy cây da nào to bằng cây da này. Hồi còn nhỏ, tôi đã thấy cây da gốc to bằng thùng phuy, cạnh bên là cái miếu đã rêu phong. Càng ngày, cây da càng cao lớn thêm.

 

Theo ông Tạ Hồng Việt, 66 tuổi, nhà cũng ở gần cây da, không ai có thể biết chính xác tuổi cây da dưới chân dốc Gò Làng. Người này nói phải hơn trăm năm, người kia nói cỡ trăm năm trở lại. Nhưng theo cha ông nói, thời ông nội ông, cây da này đã là cây đại thụ. Nghiệm ra, ít nhất nó đã qua ba đời người.

 

“Trước năm 1975, hồi tôi mới lớn đã thấy cây da bị thương vì bom đạn. Nghe ba tôi kể, trong chiến tranh, địch ở trên giồng Bà Cò (thôn Phước Nhuận) bắn xuống rồi bom đạn từ đồn Đại Hàn dưới Bến Đá (thị trấn La Hai) bắn lên. Cách mạng họp trong miếu, nhờ có cây da che chở…”, ông Việt cho biết thêm.

 

Chỉ chỗ lồi lõm trên thân cây da, ông Việt cho hay, sức sống của nó rất mãnh liệt. Qua năm tháng, cây thay vỏ mới tự chữa lành vết thương. Cứ mỗi mùa xuân sang, cây lại đâm chồi nảy lộc, tàn nhánh sum suê càng cho thấy sức sống kỳ diệu, vững chãi với thời gian.

 

Nơi dừng chân của người đi đường

 

Gốc cây da khổng lồ gần cả chục vòng tay ôm, từ vệ đường bên này tỏa bóng qua cả vệ đường bên kia, nhưng theo người dân sống gần đó, chưa bao giờ họ thấy một cành cây nào gãy đổ gây tai nạn cho người đi đường, kể cả những trận mưa bão lịch sử năm 2009 và 2017.

 

Khi được hỏi về ngôi miếu dưới gốc cây da đại thụ, ông Bảy Toàn, một người sống lâu năm, nhà cách đó không xa, nói rằng đây là miếu cổ, tuổi đời có khi lớn hơn cây da. Miếu cổ giờ đã đổ sập, chỉ còn lại mấy bức vách...

 

Cũng theo ông Toàn, hàng năm đến dịp tết Nguyên đán, ông là người chủ công cùng với bà con có nhà ở xung quanh đến quét dọn trong miếu và quanh gốc cây da, sắm sửa con gà, chè, xôi… cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm bình yên, cuộc sống ấm no, theo kiểu xưa bày nay làm. “Trước đây kiêng cữ, giáp tết, người cao tuổi nhất xóm đến thắp hương khấn vái rồi xuống cuốc dọn cỏ ở ngôi miếu trước, sau đó lớp trẻ mới làm theo. Nay thì tập trung đến một lượt quét dọn, làm sạch ngôi miếu và quanh gốc cây da, trả ơn bóng mát”, ông Toàn chia sẻ.

 

Cách đây trên 20 năm, vì người ta sợ cây to là nơi ở của thần linh nên không dám xây nhà ở gần, cây đứng cô đơn. Còn bây giờ, nhà cửa xây dựng xung quanh, tối có người hương khói cho ngôi miếu dưới gốc cây. Hiện có gia đình dựng quán bán nước đặt tên quán là Cây Da. Vào mùa nắng nóng, nhiều khách đi đường dừng chân nghỉ mát, uống nước nên quán có thu nhập kha khá.

 

Nắng nóng ở vùng núi này có ngày lên đến 39-400C, đi trên đường nhựa trước mắt nhá lên triệu triệu đom đóm lửa nhưng khi ghé vào quán nước mía Cây Da ngồi bên gốc cây thì mát rượi. Ngồi uống nước ai cũng ngắm nghía, trầm trồ về tuổi đời của cây da. Có người lại gần sờ vào gốc thấy da đã sần sùi nhưng tán vẫn còn xanh, tâm đắc bởi bóng cây to cao ôm hết khoảng đất trống làm mát cả tâm hồn. Trẻ nhỏ thích thú chạy nhảy dưới bóng cây xanh, người lớn có thể giáo dục tình yêu thiên nhiên cho chúng.

 

Ông Đoàn Văn Cư, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 3, cũng là người sống nhiều năm ở gần cây da trăm tuổi này cho biết trước đây, vào ngày tết Thanh Minh, con cháu ở xa cũng như quanh vùng tụ tập về đây rồi vô Gò Làng ở phía sau thăm mộ tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp, tu tảo mộ phần. Sau đó, họ bày mâm cúng trong miếu, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an. Đây là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. 

 

Tôi đi rất nhiều nơi, từ Xuân Quang 3 lên Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) rồi leo dốc lên tới Sơn Định (huyện Sơn Hòa), chưa từng thấy cây da nào to bằng cây da này. Hồi còn nhỏ, tôi đã thấy cây da gốc to bằng thùng phuy, cạnh bên là cái miếu đã rêu phong. Càng ngày cây da càng cao lớn.

 

Ông Tạ Quốc Trầm, 60 tuổi, thôn Phước Nhuận,

xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek