Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai phương án ứng phó cơn bão Noru.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân để triển khai biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao năng lực ứng phó, ý thức của người dân, nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai; chủ động triển khai chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, không để bị động, lúng túng, không chủ quan lơ là; chủ động huy động các đơn vị, lực lượng để hỗ trợ, giúp đỡ người dân di dời sơ tán tại các vùng trọng điểm, xung yếu, trũng thấp ven sông, ven biển… trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó, nhất là phương án neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu; hướng dẫn gia cố chằng néo lồng bè, khu nuôi trồng thủy hải sản đảm bảo an toàn về người, tài sản; vận động người dân thu hoạch sớm sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra; khẩn trương tập trung nhân lực, kiên quyết giải tỏa, di dời các lồng, bè đang nuôi thủy sản, rớ khai thác thủy sản trong phạm vi luồng lạch khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo cho tàu di chuyển vào, ra khu neo đậu, cảng cá an toàn trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đang thi công dở dang vùng cửa sông, ven biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp các địa phương liên quan thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn về người, tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến của bão, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành lệnh cấm biển.
Đối với Công an tỉnh, chỉ đạo lực lượng công an các địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại vùng thiên tai, nhất là đối với các khu vực sơ tán dân đi và đến; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động trên đường khi xảy ra thiên tai trong trường hợp cần thiết; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, kiểm tra, rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.
Sở NN-PTNT, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để tham mưu việc chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiên tai, thiệt hại, nhất là các nội dung sẵn sàng cho nhân dân vùng nguy hiểm; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT trước, trong và sau bão, lũ.
Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo các nhà máy thủy điện vận hành đảm bảo an toàn công trình và tích nước cắt giảm lũ cho vùng hạ du; cần thông tin kịp thời khi xả lũ để đảm bảo an toàn vùng hạ du; chỉ đạo các chủ hồ sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du; giám sát việc thực hiện vận hành điều tiết lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba theo quy định.
Sở TT-TT phối hợp với các nhà mạng nhắn tin thông báo đồng loạt cho nhân dân vùng nguy hiểm, phối hợp lập các nhóm làm việc trực tuyến với các ban chỉ huy PCTT-TKCN địa phương để trao đổi, nhắn tin xử lý kịp thời các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Lưu ý, phải kịp thời nhắn tin thông báo các đồng chí trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN tại các địa phương dọc lưu vực sông Ba trên địa bàn tỉnh khi các hồ chứa xả lũ điều tiết, cũng như tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh khi xảy ra triều cường, sóng lớn có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân để có những biện pháp chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Sở GD-ĐT căn cứ tình hình diễn biến và dự báo bão, mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù, để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền. Sở Y tế phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch COVID- 19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.
Sở GT-VT chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo, đài thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ và ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin để thông tin đến chính quyền và người dân trong tỉnh biết, chủ động phòng tránh, kịp thời hiệu quả.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh, tổ chức kiểm tra, ứng trực, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa; tính toán, điều tiết vận hành linh hoạt, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình và hạ du, đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Phối hợp chặt chẽ trong vận hành liên hồ chứa đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn, thông suốt. Lưu ý, trước khi vận hành điều tiết xả nước qua tràn phải báo cáo lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; đồng thời thông báo cho các địa phương vùng hạ du theo quy định.
Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh và các đơn vị liên quan, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức theo dõi, tuyên truyền nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến bão, mưa lũ sau bão; hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả khi có thiên tai gây ra. Tổ chức, vận động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ, trợ giúp người dân gặp hoạn nạn do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Các sở, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ lụt sau bão để chủ động xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, UBND tỉnh.
ANH NGỌC