Thứ Ba, 14/01/2025 17:06 CH
Phụ nữ bám biển mưu sinh
Chủ Nhật, 25/09/2022 10:00 SA

Phụ nữ ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu chèo thuyền đưa thức ăn ra lồng bè nuôi tôm. Ảnh: LÊ TRÂM

Không chỉ đàn ông, nhiu phụ nữ ở vùng biển của tỉnh cũng thức khuya dậy sớm đồng hành với nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm bằng lồng bè. Công việc nhọc nhằn, vất vnhưng họ luôn yêu nghề, miệt mài bám biển mưu sinh.

 

Vừa đảm đang việc nhà, vừa giỏi giang trong phát triển kinh tế gia đình, những người phụ nữ tay mềm chân yếu này được cánh đàn ông hết lời ngợi khen.

 

Yêu nghề, yêu biển

 

Sáng sáng, chị Nguyễn Thị Nhung ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu ra bờ biển trước nhà chuẩn bị mồi, thức ăn cho tôm. Bạn hàng bán cá tạp để chế biến thức ăn cho tôm chở bằng xe đông lạnh, họ bán đổ đồng, cứ 20.000-30.000 đồng/ rổ tùy theo lớn nhỏ. Chị Nhung mua cá rồi cắt bằng kéo, cá liệt cắt làm đôi, cá nục, cá đổng thì cắt làm ba, còn cá hố cắt làm bốn, làm năm… “Chịu khó làm vậy tôm mới ăn mạnh, chứ để nguyên con, chúng nhát ăn lắm! Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống, nó ăn mạnh mình mừng, nó lơ ăn là buồn nẫu ruột, đứng ngồi không yên. Lúc trước mồi làm xong, chồng tôi chèo ghe ra bè cho tôm ăn. Mấy hôm nay ông ấy bệnh, tôi phải làm thay”, chị Nhung chia sẻ.

 

Cạnh đó, chị Bùi Thị Lan cũng đang chuẩn bị mồi để đưa ra bè cho tôm ăn. Nhìn vô xóm nhà ven biển thuộc khu phố Phước Lý, chỗ quán cà phê cóc có những dãy bàn, cánh đàn ông đang ngồi vừa uống cà phê vừa tám chuyện, chị nói: Đàn ông sáng cà phê cà pháo cà cưa đến nửa buổi, còn phụ nữ chúng tôi phải dậy sớm ra biển, mua cá giã cào cắt ra từng miếng nhỏ như thế này để làm mồi cho tôm.

 

Anh Nguyễn Văn Hải, chồng chị Lan xác nhận: Hồi trước vợ chồng tôi rất khổ, sau nuôi tôm phất lên xây cặp nhà khang trang. Trăm chuyện nhờ có bàn tay người vợ. Còn tôi dân biển nhưng là người miền núi. Quê tôi ở Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), lấy vợ rồi theo quê vợ ở luôn dưới này. Thời gian đầu về đây, vợ dạy cho nghề đi biển. Vợ tôi cũng như những người phụ nữ ở vùng biển này giỏi giang số một. Cánh đàn ông chúng tôi nể phục chị em về sức vóc, sự dẻo dai lại chịu thương, chịu khó…

 

Còn chị Phan Thị Hiền ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An làm đủ thứ nghề, ban đầu cầm búa tạ, sau đó đi bán cá. Chị Hiền kể, trước đây anh Huỳnh Văn Bảy, chồng chị làm nghề thợ rèn. Nghề thợ rèn khâu làm nóng buộc phải có hai người. Từ miếng sắt thép thô sơ muốn làm ra cái rựa, cái dao… phải hầm than cho cháy rực để nung cho đỏ đến độ mềm, dẻo rồi đặt lên cái đe, chồng cầm cái búa nhỏ gõ gõ chỗ nào thì vợ vác chiếc búa tạ đập mạnh xuống chỗ đó. Nhờ sức đập từ chiếc búa tạ uốn cục sắt, thép thành cái rựa, cái dao và những sản phẩm khác tùy ý. “Gần đây, đồ sắt làm sẵn bán dạo rất nhiều, tôi chuyển sang chạy cá. Sáng ra bờ biển mua cá từ các ghe, tàu rồi chở đi bán dạo liên huyện. Công việc này cho tôi thu nhập, ngày càng yêu nghề, yêu biển”, chị Hiền nói.

 

Phụ nữ ở xã Xuân Phương, TX Sông Cầu làm công việc nghề biển nặng nhọc. Ảnh: LÊ TRÂM

 

Thức khuya dậy sớm

 

Dọc theo bờ biển phường Hòa Hiệp Bắc (TX Đông Hòa), sáng sớm những người phụ nữ cùng chồng khiêng cá lên bãi cát bán cho thương lái. Chị Huỳnh Thị Xuân ở khu phố Phước Lâm đang chất giỏ cá, cho hay: Vợ chồng tôi sắm ghe nhỏ đánh bắt gần bờ, tối đi sáng về. Nhiều đêm mưa gió lạnh lẽo, tôi với ông ấy vừa giăng câu thả lưới, vừa lo nghĩ đủ chuyện. Thế nhưng đã thành cái nghiệp, không chỉ tôi mà nhiều chị em phụ nữ cùng theo nghề biển, bởi đó là nghề truyền thống của gia đình, của cha ông mình để lại.

 

Vừa quấn lại lưới và giàn câu cho gọn để xếp lên thuyền, anh Trần Văn Trung - chồng chị Xuân, góp chuyện: “Mùa hè thì không sao, còn mùa mưa trời động mà ra biển thì gió lạnh run người. Nhiều lúc thấy vợ vừa căng sức kéo lưới vừa đánh bồ cạp, mình vừa thương vợ vừa khen thầm trong bụng”.

 

Còn chị Bùi Thị Hiền ở khu phố Phú Thọ 3 (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) ngồi trước hàng ba nhà mình vừa nghe cải lương qua chiếc điện thoại thông minh vừa đan lưới, tâm sự: “Sáng nay tàu cá của gia đình tôi vào bờ. Tôi vừa bán cho thương lái xong rồi về đan lưới. Tôi luôn thức khuya dậy sớm với chồng. Nhiều hôm do thời tiết, nửa đêm chồng tôi mới đi biển, tôi cũng phụ vác ngư cụ xuống tàu… Thu nhập từ nghề biển phụ thuộc vào luồng cá, thời tiết nên có khi kiếm được tiền triệu mỗi chuyến, có khi chỉ đủ ăn. Thế nhưng, nhờ tích lũy, vợ chồng tôi xây dựng căn nhà đủ tiện nghi, nuôi các con ăn học”.

 

“Vợ chồng tôi làm nghề cha truyền con nối này được gần 20 năm. Tay bưng cá, vá lưới chai sần, gân guốc, thế nhưng sau mỗi chuyến biển, khoang thuyền đầy cá tươi là vui mừng quên đi mệt nhọc. Vì vậy mà tôi đủ sức tiếp tục thức khuya dậy sớm chuẩn bị cho chồng những chuyến đi biển tiếp theo”, chị Hiền nói.

 

Vợ chồng tôi sắm ghe nhỏ đánh bắt gần bờ, tối đi sáng về. Nhiều đêm mưa gió lạnh lẽo, tôi theo ông ấy vừa giăng câu thả lưới, vừa lo nghĩ đủ chuyện. Thế nhưng đã thành cái nghiệp, không chỉ tôi mà nhiều chị em phụ nữ khác cùng theo nghề biển bởi đó là nghề truyền thống của gia đình, của cha ông mình để lại.

 

Chị Huỳnh Thị Xuân ở khu phố Phú Hiệp 3,

phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek