Hạn chế tập trung đông người khi mua và bán; quản lý, kiểm soát người ra vào chợ; đảm bảo khoảng cách an toàn; bố trí thời gian họp chợ phù hợp; xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm… là cách mà chợ truyền thống, chợ dân sinh ở các địa phương cần hướng đến để giảm nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh trong cộng đồng.
Nơi nguy cơ lây nhiễm cao
Chợ truyền thống, chợ dân sinh là nơi tập trung nhiều hàng hóa, phục vụ hoạt động mua, bán của đông đảo tiểu thương, người tiêu dùng. Đây cũng là môi trường hoạt động có nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh ra cộng đồng rất cao. Đơn cử, đã có nhiều tiểu thương mua bán tại chợ Màng Màng (thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) dương tính với SAR-CoV-2, như: bệnh nhân V.T.S, bệnh nhân N.T.K.H… tiếp xúc với nhiều tiểu thương khác trong chợ.
Từ đây, chợ Màng Màng trở thành ổ dịch lớn nhất tỉnh. Ngoài ra, một số tiểu thương là F0 của chợ Màng Màng có lịch trình di chuyển phức tạp, tham gia mua bán thịt, cá ở chợ Tuy Hòa, khiến chợ Tuy Hòa phải tạm dừng hoạt động và khoảng 3.200 tiểu thương phải lấy mẫu xét nghiệm để ngăn chặn dịch lây lan.
Cũng tại TP Tuy Hòa, tiểu thương N.T.P ở chợ xã Hòa Kiến là F0, tiếp xúc với nhiều người trong chợ, sau đó chợ xã Hòa Kiến cũng dừng hoạt động, một số khu vực trên địa bàn xã bị phong tỏa do nguy cơ lây nhiễm. Mới đây, một nữ nhân viên ở phường 8 là F1 do tiếp xúc với bệnh nhân T.H.H (BN 17936) đến chợ dân sinh trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú mua thực phẩm, tiếp đó di chuyển đến nhiều khu vực khác.
Tại TX Đông Hòa, trưa 1/7, thị xã quyết định tạm dừng hoạt động 2 chợ truyền thống Hòa Hiệp (phường Hòa Hiệp Trung) và Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam) vì 2 chợ này liên quan đến bà V.T.N.Y ở khu phố Phú Lạc mắc COVID-19. Bà Y mua bán cá ở chợ Màng Màng (xã Bình Kiến), thường xuyên đi lại giữa chợ Phú Hiệp, chợ Màng Màng và cũng từng đến chợ Phú Lạc mua thực phẩm của một số tiểu thương của chợ này.
Thực tế qua các trường hợp trên cho thấy, yếu tố lây nhiễm dịch bệnh xuất phát trong môi trường chợ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, với nhu cầu mua bán lương thực, thực phẩm của người dân, các địa phương đã cho dừng hoạt động chợ cũ, bố trí chợ dân sinh ở khu vực mới, hay vẫn cho họp chợ nhưng áp dụng thực hiện các biện pháp để không tập trung quá đông người…
Dù vậy, trong những ngày qua, hoạt động mua bán thực phẩm ở các khu vực, chợ, nhất là trên địa bàn TP Tuy Hòa khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng bởi ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch chưa cao. Người dân mặc nhiên đến chợ truyền thống, chợ dân sinh mua hàng, tiểu thương vì mưu sinh mà cố “chạy” chợ, tập trung mua bán ở những nơi không đúng quy định … Tất cả đều bỏ qua việc phòng, chống dịch bệnh.
Theo bà Lương Thị Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, khi dừng hoạt động chợ xã Hòa Kiến, ngày 2/7 xã bố trí để người dân họp chợ ở khu vực khác. Nhưng tiểu thương, người dân mua bán ở “chợ tạm” này vẫn chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung quá số người quy định, tranh nhau vị trí ngồi bán… gây mất trật tự, thậm chí có trường hợp là F2, còn trong thời gian cách ly tại nhà nhưng vẫn cố tình vi phạm. Do đó, UBND xã Hòa Kiến đã tiếp tục cho dừng hoạt động chợ tạm này từ ngày 11/7.
Cần thiết xây dựng các mô hình chợ an toàn
Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng cần mạnh tay ngăn chặn các mối nguy lây lan dịch bệnh, trong đó có việc thiết kế lại hoạt động mua bán ở các chợ. Cùng với đó là quản lý chặt, có chế tài xử lý mạnh tay và công tác kiểm tra, phòng, chống dịch vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Song, tùy vào đặc thù, điều kiện, các địa phương có thể có cách bố trí chợ truyền thống, chợ dân sinh và quản lý sao cho phù hợp để duy trì hoạt động chợ thường xuyên.
Ghi nhận trong ngày đầu tiên chợ phường 7 hoạt động trở lại (ngày 5/7), ban quản lý chợ đã kẻ ô phân vị trí ngồi cho từng tiểu thương ở khu vực xung quanh chợ. Giữa các vị trí đều có khoảng cách nhất định. Nhiều người dân cho rằng, đây là cách làm hay, có thể hạn chế tập trung đông người tại một quầy hàng. Tuy nhiên, mô hình này chỉ duy trì trong một ngày, sang ngày thứ 2 các tiểu thương đã “trở về” với vị trí cũ tại các sạp, quầy hàng cố định trong chợ.
Nhận thấy lượng người mua bán tại chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn TP Tuy Hòa hiện nay mất an toàn, ông Trần Ngọc Dũng, phường 8, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Nếu vẫn giữ hoạt động chợ như bình thường hoặc chuyển sang chợ tạm thì chính quyền địa phương, ban quản lý chợ phải xây dựng mô hình phù hợp; bố trí lực lượng bảo vệ, quản lý hướng dẫn chỗ ngồi cho người bán, điều tiết lượng người vào chợ mua hàng; thậm chí nên lập các điểm kiểm soát dịch chặt chẽ ở các lối ra, vào để đo thân nhiệt, ghi tên, nhắc nhở tiểu thương rửa tay sát khuẩn, mang khẩu trang, không được đến các sạp hàng đã có người đến mua…
Các đơn vị có thể kẻ ô tròn/vuông để phân từng lô, đánh số vị trí và chia thành các dãy hàng ngồi song song nhau… Cách làm này sẽ an toàn trong phòng, chống dịch, dễ truy vết trong trường hợp cần thiết sau này.
Mong muốn lập lại trật tự chợ, ông Nguyễn Việt Cường, phường 4, TP Tuy Hòa, hiến kế: Các địa phương phải thông báo thời gian họp, tan chợ; ra quy định cụ thể, ghi trên bảng và để trước các lối ra, vào để người dân biết, thực hiện. Ngoài việc hướng dẫn người mua, các lực lượng cũng đồng thời thực hiện tầm soát, kiểm soát tình trạng sức khỏe của tiểu thương, yêu cầu họ khai báo nơi ở, khu vực đến mua hàng, ghi chép rõ ràng vào sổ theo dõi. Sau mỗi buổi chợ, phải phun khử khuẩn bằng Cloramin.
Liên quan đến thời gian họp, quy định hoạt động chợ, bà Lê Thị Hà, cán bộ hưu trí xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Mặc dù việc mua bán thực phẩm, lương thực là cần thiết nhưng người dân vẫn phải thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước. Vả lại thực phẩm vẫn có thể mua để dùng trong nhiều ngày. Các xã, phường có thể ra những quy định phù hợp.
Ví dụ, trong phường có 5 khu phố thì người dân trong 2 khu phố được phép đến chợ mua hàng trong các ngày chẵn, người dân ở 3 khu phố còn lại sẽ đến chợ vào các ngày lẻ (kèm phiếu mua hàng). Thêm nữa là thông báo cho tiểu thương biết để chủ động nguồn hàng, cũng có thể phân chia số lượng tiểu thương bán trong các ngày chẵn, lẻ...
Với việc xây dựng mô hình chợ an toàn, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Sở Công thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện. Với thực tế như hiện nay, sở tiếp tục cùng các địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát hoạt động ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn, từ đó hỗ trợ, giúp địa phương xây dựng mô hình, có cách làm phù hợp.
Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương tích cực trong quản lý, điều tiết hoạt động, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm trong mua bán hàng hóa, tạo tính răng đe trong chấp hành, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, trong đó có cả người dân, cán bộ, công chức, viên chức. Sở Công thương cũng đã thông tin để người dân biết các cơ sở cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu có triển khai bán hàng online, giao hàng tận nơi, đặt hàng qua điện thoại; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị… đẩy mạnh phổ biến các hình thức này. Chúng tôi mong muốn người dân phối hợp tốt, thay đổi thói quen mua sắm, tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
Kết luận cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh được tổ chức mới đây, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, kiểm soát các chợ tự phát trên địa bàn; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị; hướng dẫn các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch, nhất là việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tiểu thương, nhân viên phục vụ. |
VÕ PHÊ