Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, dịch dệnh COVID-19 tràn lan ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của rất nhiều người, đặc biệt là với người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.500 đối tượng là người tâm thần (NTT). Triển khai đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, tỉnh đã có nhiều chính sách trợ giúp phù hợp.
Khó khăn gấp bội
Những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đến việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần nhằm giúp họ phục hồi, sớm khỏi bệnh, có cuộc sống ổn định. Để làm được điều này, tỉnh đã khảo sát, khám sàng lọc để sớm phát hiện ra những người mắc chứng rối loạn tâm thần.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu trợ giúp cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh. Cùng với việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, tỉnh còn đặc biệt coi trọng công tác thông tin tuyên truyền nhằm giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, sớm phát hiện khi bị bệnh để kịp thời chữa trị. Và điều quan trọng nhất là tránh sự kỳ thị, coi thường, xa lánh người bệnh của gia đình và xã hội.
Bà Ngô Thị Nguyên ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, cho biết những ngày này, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi trong tỉnh, vì an toàn, bà phải nghỉ bán vé số. Con gái bà mắc bệnh tâm thần đã nhiều năm nên hoàn cảnh càng khó khăn hơn. “Bình thường tôi đạp xe xuống TP Tuy Hòa bán vé số, còn con gái thì đi khắp phố để lượm lặt những thứ linh tinh, ai cho gì nhận nấy. Từ khi dịch bệnh hoành hành, hai mẹ con phải ở nhà, khó khăn gấp bội, nhất là việc phải giữ chân con gái ở nhà”, bà Nguyên nói.
Anh Nguyễn Văn Tòng, cán bộ phụ trách phân khu tâm thần (Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh) chia sẻ: “Với người bình thường, việc chăm sóc, quản lý đã khó, với bệnh nhân tâm thần, điều này vất vả gấp nhiều lần. Những ngày này, các đối tượng tâm thần và rối nhiễu tâm trí đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại phân khu được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Bởi đặc thù của hầu hết người bệnh tâm thần là không còn khả năng tự phục vụ được bản thân trong các sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan, hàng ngày đều phải bắt buộc đeo khẩu trang, khử khuẩn, thực hiện “5K” nên một số bệnh nhân khó tuân thủ; một số người lên cơn kích động, đập phá, kêu la, có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và ảnh hưởng tới cả người chăm sóc”.
Giúp NTT sớm hòa nhập cộng đồng
Ông Đinh Viết Hậu cho biết cùng với thường xuyên tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh vận động mọi người chung tay góp sức hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để giúp NTT sớm hòa nhập cộng đồng. Theo ông Hậu, một trong những giải pháp hàng đầu để giúp NTT sớm hòa nhập cộng đồng là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng cho NTT; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, NTT dựa vào cộng đồng. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc và phục hồi chức năng cho gia đình có người rối loạn tâm thần, rối nhiễu tâm trí tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời hỗ trợ các gia đình có NTT, người rối nhiễu tâm trí biết cách sử dụng các dịch vụ xã hội nhằm giúp các đối tượng trong quá trình điều trị.
Theo giảng viên Hồ Thị Thu Hoài, Trường đại học Lao động xã hội cơ sở II (TP Hồ Chí Minh), điều trị và chăm sóc người bệnh tâm thần cần có thời gian dài và rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội. Đối với những bệnh nhân này, gia đình và cộng đồng nên quan tâm, kịp thời phát hiện để ngăn chặn những hành động tiêu cực của người bệnh. Khi phát hiện thấy những biểu hiện không bình thường, hiện tượng thiếu tập trung, trầm cảm, gia đình, người thân nên đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.
HOÀNG LÊ