Dịch bệnh COVID-19 lây lan trên diện rộng trong thời gian qua khiến cuộc sống người dân đảo lộn, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đình trệ.
Dịch bệnh đã gây thách thức lớn đối với tỉnh trong việc nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra (vừa bảo đảm sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế) khi phải phong tỏa, giãn cách xã hội nhiều khu vực dân cư; tạm đóng cửa nhiều hoạt động và dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động, doanh thu của doanh nghiệp.
Không riêng Phú Yên, dịch COVID-19 cũng lây lan với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…, ảnh hướng lớn đến phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Vì vậy việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay được Chính phủ và chính quyền các địa phương đặt lên hàng đầu. Trước tình hình này, ngày 1/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 68/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó, đáng chú ý là nghị quyết tập trung vào đối tượng công nhân, người lao động trực tiếp, như: gói hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó là nhóm đối tượng phải cách ly y tế, trong vùng phong tỏa, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, được hỗ trợ 1 triệu đồng/lần; hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày với người đang cách ly, điều trị COVID-19, tổng số ngày hỗ trợ không quá 45 ngày. Đối với hộ kinh doanh, dừng hoạt động 15 ngày trở lên được hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/hộ. Người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương...
Ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các cấp chính quyền triển khai chính sách này, làm người dân từ phố thị Tuy Hòa đến vùng nông thôn mới Phú Hòa, Tây Hòa, miền núi Sông Hinh đều phấn khởi, cảm thấy không bị bỏ rơi giữa “cơn sóng thần” COVID-19 đang bủa vây. Đơn cử như ngày 5/7, UBND thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đề nghị MTTQ, các hội đoàn thể và ban nhân dân 15 khu phố, buôn trên địa bàn thị trấn nhanh chóng phổ biến chính sách này đến người dân biết, thống kê từng loại đối tượng để họ sớm được thụ hưởng. Bà Lương Thị Thúy Kiều, Chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng chia sẻ rằng nhiều bà con ở địa phương còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vậy nên chính quyền ở cơ sở phải luôn gần dân, sát dân, sẵn sàng giúp đỡ dân. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng dịch bệnh thì chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm phổ biến để dân biết và thụ hưởng.
Không phải đến nay Chính phủ mới ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cách đây gần 3 tháng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2021/NÐ-CP về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Có thể khẳng định rằng việc Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
NGUYỄN QUANG