Thứ Hai, 13/01/2025 09:27 SA
Chủ động phòng tránh tai nạn lao động
Thứ Sáu, 11/06/2021 10:00 SA

Người lao động tỉnh tham gia hội thi an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: KIM CHI

Sau 5 năm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các cấp, ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy rõ tầm quan trọng và quan tâm đầu tư các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), phòng chống cháy nổ (PCCN).

 

Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ cũng đã tác động tích cực đến tất cả các đối tượng lao động trong xã hội.

 

Tăng cường quản lý lao động

 

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH, đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2.230 doanh nghiệp với khoảng 40.000 công nhân lao động đang làm việc. Trong đó, một bộ phận lớn công nhân trực tiếp ở các doanh nghiệp là lao động nông thôn chưa qua đào tạo, trình độ nghề nghiệp, ý thức kỷ luật còn hạn chế; một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của đảm bảo ATVSLĐ nên nguy cơ về TNLĐ vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, việc thực hiện quy định về ATVSLĐ, PCCN là vấn đề luôn được đặt ra đối với các cấp, ngành, doanh nghiệp và người lao động.

 

Hàng năm, trên 30 doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý; tần suất TNLĐ chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất… giảm dần. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ TNLĐ, làm bị thương nặng 3 người, bị thương nhẹ 39 người. Các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực may công nghiệp, sản xuất kính công nghiệp (người lao động bị thương do kim đâm vào tay, kính cắt đứt tay).

 

Trong năm 2020, theo số liệu báo cáo của 41 doanh nghiệp, 1.006 máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đã được kiểm định; 104 máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đã được khai báo. Việc đăng ký thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thực hiện đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác ATVSLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động, nông nghiệp nông thôn đã được quan tâm triển khai, tác động tích cực đến nhận thức của hàng ngàn người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Ngành LĐ-TB-XH, các cấp công đoàn cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền nhân Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ, phát triển, củng cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Cùng với đó vận động người lao động ký kết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc tốt sức khỏe cho người lao động. Đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCN trong mùa khô, phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 

Duy trì, đảm bảo an toàn lao động

 

Có thể thấy, lao động có chất lượng, năng suất lao động cao, con người được chăm sóc về sức khỏe và được đảm bảo an toàn về tính mạng đã trở thành tiêu chí quan trọng trong sự phát triển hài hòa, tiến bộ và bền vững của xã hội, cũng như của mỗi doanh nghiệp tại tỉnh. Môi trường lao động trong các doanh nghiệp, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 có bước cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; liên tục kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có biện pháp khắc phục các điều kiện lao động không đảm bảo an toàn cho người lao động.

 

Nhìn chung, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực, người sử dụng lao động có sự quan tâm nhất định đến công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe người lao động; cải thiện điều kiện và môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất; thường xuyên đôn đốc nhắc nhở người lao động chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

 

Trong thời gian tiếp theo, cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động; hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ, báo cáo kịp thời TNLĐ, tình hình công tác ATVSLĐ định kỳ và hàng năm; khai báo đầy đủ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở; xử lý nghiêm minh, kịp thời những doanh nghiệp cố ý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp việc kiểm tra đôn đốc của các cấp, ngành với sự tham gia tích cực của đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động và Luật Phòng cháy và chữa cháy. 

 

NGUYỄN TÀI SOA

Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek