Thứ Bảy, 11/01/2025 01:29 SA
Khẩn trương khắc phục sau lũ ở những vùng ngập sâu
Thứ Tư, 11/11/2020 23:04 CH

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế tìm hiểu về thiệt hại do bão lũ ở huyện Đồng Xuân. Ảnh: KHANG ANH

Mưa nhiều ở thượng nguồn, lãnh đạo các huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu dự đoán nước sẽ lớn trong đêm 10/11 nên đã yêu cầu các xã, lực lượng ứng cứu túc trực sẵn sàng, sơ tán dân vùng trũng thấp và thông báo đến nhân dân di dời đồ đạc, tài sản. Tuy nhiên, mực nước dâng cao nhanh đột ngột, gây thiệt hại không ít. Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ.

 

Đồng Xuân ngập nặng

 

Đêm 10/11, nước dâng rất nhanh ở huyện Đồng Xuân do các hồ thủy điện, thủy lợi từ thượng nguồn sông Kỳ Lộ tiếp tục xả lũ.

 

Ngay từ sáng sớm 11/11, nước lũ rút tới đâu, người dân các khu dân cư, chợ thị trấn La Hai… khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, quầy sạp; các lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung kích trên địa bàn huyện dốc sức hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, đường sá.

 

Quệt mồ hôi trên trán khi cùng bà con dọn bùn, rác trên tuyến đường thị trấn La Hai, anh Trần Hữu Hòa, thanh niên xung kích của thị trấn, cho biết: “Chúng tôi túc trực cả đêm cùng người dân di dời đồ đạc để hạn chế thiệt hại cho bà con. Nước rút, chúng tôi tiếp tục giúp bà con dọn vệ sinh”.

 

Ông Trần Quốc Sử ở khu phố Long Châu, thị trấn La Hai, chia sẻ: “Hễ đến mùa mưa bão, tôi cũng như những hộ dân khác đều chủ động phòng chống. Năm nay sau bão, nước lụt dâng rất nhanh, chảy mạnh, nhiều gia đình không kịp trở tay nên mọi vật dụng, đồ đạc trong nhà bị ướt, hư hết. Nhà tôi buôn bán hàng hóa, dù nhanh tay cỡ nào cũng không thể dọn dẹp hết được nên hàng bị nước cuốn trôi khá nhiều”.

 

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ cho biết: “Thống kê sơ bộ, toàn huyện có 1.657 nhà bị ngập trên 1m, 751 nhà ngập dưới 1m; chưa có con số cụ thể về số lượng nhà bị sập, tốc mái. Thiệt hại về nhà cửa chủ yếu do ngập lụt nên đồ đạc trong các gia đình bị hư hỏng nhiều, nhà cửa đổ ngã.

 

Chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo cho các ngành chức năng sớm khắc phục sự cố về điện, chạy máy nổ để bơm nước phục vụ công tác dọn dẹp nhà cửa. Đồng thời, địa phương chỉ đạo ngành Y tế triển khai xử lý nước giúp người dân có nước sạch sinh hoạt. Sau khi nước rút, UBND huyện tiếp tục huy động các nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay cùng địa phương khắc phục thiệt hại, giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống.

 

Lực lượng quân đội, công an huyện Tuy An đưa cano để tiếp tục di dời và ứng cứu người dân vũng trũng thấp. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Tuy An ước thiệt hại hơn 87 tỉ đồng

 

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy An, có 11.653 nhà bị ngập sâu từ 0,5-2m. Đến chiều 11/11, các vùng hạ du vẫn còn bị ngập lụt, giao thông còn chia cắt trên một số tuyến đường.

 

Bà Phan Thị Hoa ở thôn Định Trung, xã An Định, nói: “Từ chiều hôm trước, chính quyền địa phương cũng thông báo tình hình mưa lũ nên chủ động di dời đồ đạc lên cao, đưa bò lên nhà để tránh lũ. Mà nước lũ lên quá nhanh, không ngờ”. Nhà ông Nguyễn Cường ở giữa đồng trống thôn Định Trung, hoàn toàn bị cô lập, nước vào nhà gần 2m. “Gia đình tôi phải kê giàn giáo và trèo lên rầm nhà tránh lũ. Mặc dù có sự chuẩn bị từ trước nhưng nước lớn nhanh, từ chiều đến tối dọn đồ không kịp, nhiều vật dụng bị hư hỏng nặng”, ông Cường nói.

 

Đường từ Tuy An đi Đồng Xuân bị ngập lụt, chia cắt. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Lực lượng cứu hộ của huyện, xã kiểm tra hiện trường từ sáng sớm 11/11 để sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp. Thiếu tá Nguyễn Thanh Trúc, Tham mưu trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện Tuy An, cho biết: “Lực lượng bộ đội đã tung quân về các điểm xung yếu, trũng thấp từ mờ đất để tiếp tục di dời hơn 100 người và ứng cứu các trường hợp khẩn cấp”. Ở các xã trung hạ du như An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Thạch, An Dân, An Hòa Hải… đến chiều 11/11 mực nước nhiều nơi vẫn còn ngập sâu cả mét.

 

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, hiện mới chỉ thống kê sơ bộ, có 3 nhà tốc mái, hư hỏng, hơn 11.650 nhà bị ngập, ước thiệt hại ban đầu về nhà ở của nhân dân hơn 87 tỉ đồng. Các thiệt hại khác về chăn nuôi, trồng trọt, tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản và thiệt hại tài sản gia dụng của người dân do bị ngập nước… chưa thể thống kê, vì nhiều vùng còn bị ngập sâu, cúp điện.

 

Sông Cầu thiệt hại nặng về thủy sản

 

Chiều 11/11, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tri Phương đã đi kiểm tra thực tế về tình hình tôm hùm, cá biển nuôi bị chết do ảnh hưởng nước lũ… ở TX Sông Cầu.

 

Ngư dân ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) gom tôm hùm nuôi bị chết do bão lũ. Ảnh: NGỌC CHUNG

 

Theo UBND phường Xuân Thành, địa phương mới nắm được thông tin có 36 hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn có tôm nuôi bị chết do ảnh hưởng nước lũ. Tuy nhiên, các hộ dân này chưa cung cấp cụ thể số lượng tôm bị chết. Còn theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, một số hộ nuôi tôm hùm, các loại cá biển ở các xã, phường xung quanh vịnh Xuân Đài có thủy sản nuôi chết. Nguyên nhân ban đầu có thể do ảnh hưởng nước lũ, thiệt hại nặng là phường Xuân Thành.

 

Hiện Phòng Kinh tế yêu cầu các địa phương trên địa bàn có nuôi thủy sản, khẩn trương thống kê các thiệt hại, trong đó có thủy sản nuôi. Ông Nguyễn Tri Phương cho biết, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y tiến hành lấy mẫu tôm, cá nuôi bị chết và mẫu nước vùng nuôi đi xét nghiệm để có kết luận chính xác về tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt

 

Đến chiều 11/11, trên địa bàn thị xã có khoảng 2.485 ngôi nhà bị ngập lụt, chủ yếu ở các phường Xuân Phú, Xuân Yên, Xuân Đài, Xuân Thành và các xã Xuân Lộc, Xuân Thọ 1. Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn có 22 ngôi nhà bị sập, tốc mái; khoảng 77ha hoa màu, 348ha lúa, hơn 200ha mía… bị ngập úng, thiệt hại hoàn toàn; khoảng 95 tấn muối bị ngập nước; có 2 ngôi trường mầm non ở xã Xuân Bình và Xuân Yên bị sập, hư hỏng nặng. Có 17 ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng và cá mú ở phường Xuân Yên bị nước lũ làm vỡ bờ, cuốn trôi, thiệt hại hoàn toàn; gần 20ha nuôi tôm ở xã Xuân Bình bị thiệt hại từ 50-100%; ở xã Xuân Lộc khoảng 130ha ao đìa nuôi tôm và cua biển bị thiệt hại mất trắng, 4 chiếc thuyền nhỏ bị chìm…

 

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết thêm, lực lượng vũ trang và đoàn thanh niên triển khai dọn vệ sinh, giúp dân khắc phục nhà cửa, trường học, đường sá và các công trình khác bị thiệt hại… Đến chiều 11/11, công tác khắc phục đã tạm ổn.

 

Tính đến 17 giờ ngày 11/11, toàn tỉnh có 1 người mất tích, 2 người bị thương; 76 nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái. Về giao thông, các quốc lộ bị đất đá bồi lấp rãnh, lề đường, cống thoát nước khoảng 5.650m3, mặt đường hư hỏng 12.150m2; các tuyến tỉnh lộ như ĐT641, ĐT642, ĐT650 có một số đoạn bị ngập, có hơn 120m3 đất đá mái taluy dương sạt lở; các tuyến đường huyện bị sạt lở đất đá mái taluy với khối lượng 125m3. Có hơn 1.180m kênh mương bị sạt, cuốn trôi; hơn 120ha hoa màu, hơn 200ha mía, khoảng 350ha lúa bị ngã đổ, ngập nước, khoảng 2.570 con gà, vịt bị chết và cuốn trôi, 5 chiếc xuồng (dưới 20CV) bị chìm; hơn 260ha ao đìa nuôi tôm, cua, cá các loại bị thiệt hại từ 50-100%; gãy đổ 73 cột điện, 39/110 xã bị mất điện…

 

(BCH PCTT-TKCN tỉnh)

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek