Thứ Hai, 13/01/2025 23:57 CH
Người dân tiếp cận các phương tiện tránh thai: Dễ dàng, hiệu quả
Thứ Sáu, 30/10/2020 09:55 SA

Tuyên truyền sử dụng phương tiện tránh thai cho nữ công nhân lao động. Ảnh: KIM CHI

Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/Sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Đề án 818) được triển khai từ năm 2018, đến nay đã đáp ứng ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa, dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân trên địa bàn tỉnh.

 

Việc xã hội hóa (XHH) cung cấp PTTT và hàng hóa KHHGĐ/SKSS; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới.

 

Người dân đồng tình

 

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Việc triển khai đề án đã tạo ra cơ hội tiếp cận dịch vụ KHHGĐ thuận tiện và chất lượng cho người dân có nhu cầu, có khả năng tự nguyện chi trả dịch vụ KHHGĐ.

 

Trước đây, người dân thực hiện chính sách KHHGĐ có nhu cầu về PTTT đều được Nhà nước cung cấp miễn phí. Tuy nhiên hiện nay, việc các đối tượng được cấp miễn phí PTTT đã được thu hẹp.

 

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp nhận chương trình XHH từ Tổng cục DS-KHHGĐ và triển khai từ tháng 8/2018 đến nay; các loại hàng hóa gồm: bao cao su tránh thai Hello và Hello Plus; dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagic, Gynopro; bột can xi; gel bôi trơn, que tránh thai… Qua đó bán hơn 3.000 sản phẩm PTTT cho chị em phụ nữ và các gia đình. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) chia sẻ: “Tôi yên tâm khi sử dụng PTTT ở trạm y tế bởi đây là thuốc nhà nước, giá thành rẻ mà các cán bộ dân số tư vấn cũng nhiệt tình”.

 

Còn chị Lê Thanh Hảo (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Vợ chồng tôi đã có 2 con rồi, bây giờ lo làm ăn để nuôi dạy con cho tốt. Khi cán bộ DS/KHHGĐ tuyên truyền về tránh thai bằng các PTTT, tôi rất đồng tình và cho rằng đây là một chủ trương đúng, kịp thời của Nhà nước. Kinh phí cho PTTT rất rẻ, nên chúng tôi cũng không đợi Nhà nước bao cấp”.

 

Theo chị Huỳnh Nguyễn Hoàng Linh, cán bộ chuyên trách y tế phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến về PTTT đến cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, người dân. Kể từ khi có chủ trương XHH cung cấp PTTT, nhiều cặp vợ chồng đã ủng hộ mua và chủ động trong việc lựa chọn PTTT phù hợp.

 

Mở rộng dịch vụ PTTT

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo đạt cực đại vào năm 2027-2028. Riêng Phú Yên, giai đoạn 2009-2019, toàn tỉnh tăng 32.523 hộ với 10.971 người (toàn tỉnh hiện có 260.436 hộ với dân số 872.964 người).

 

Khi dân số tăng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tăng thì nhu cầu sử dụng PTTT cũng tăng. Tuy nhiên hiện nay, Nhà nước không còn bao cấp PTTT. Theo thống kê, đến nay ngân sách nhà nước cấp để mua PTTT khoảng 35-45 tỉ đồng/năm (đạt 10% so với nhu cầu) và đang có xu hướng giảm dần.

 

“Như vậy, đây là một khoảng trống trong việc đáp ứng đầy đủ kịp thời, đa dạng các PTTT trong bối cảnh nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững nói và cho biết: Sau thời gian triển khai, Đề án 818 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, góp phần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa PTTT, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai đề án với những người thụ hưởng là người dân đang sinh sống và làm việc tại các địa bàn thuộc khu vực thành thị, vùng nông thôn phát triển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu du lịch và khu dịch vụ - thương mại khác, ưu tiên nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên. Đề án sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng PTTT.

 

“Việc thực hiện đề án đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Qua đó góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn”, bác sĩ Dững cho biết thêm.

 

KIM CHI 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek