Với đặc điểm địa phương có gần 47% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Sông Hinh luôn dành nhiều ưu tiên đầu tư xây dựng, chăm lo đời sống cho người đồng bào, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Hinh, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị đầu tư toàn huyện đạt trên 204,9 tỉ đồng; đến nay đã giải ngân được 82,2 tỉ đồng, đạt trên 56% kế hoạch. Một số công trình đang được đầu tư như xây dựng kênh mương nội đồng thôn Suối Biểu; công trình san ủi ruộng vừa làm hệ thống kênh tưới cánh đồng buôn Đức Mùi, thuộc công trình hồ chứa nước Buôn Đức; xây dựng 8 phòng học Trường THCS Ea Trol; các gói thầu dự án kiên cố hóa phòng học, mầm non, tiểu học các xã đặc biệt khó khăn huyện Sông Hinh…
Các công trình tập trung nhiều cho khu vực các xã miền núi đặc biệt khó khăn, vùng tập trung người đồng bào DTTS nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.
Tiêu biểu, công trình trạm bơm hồ Trung tâm tại xã Ea Bia được địa phương khởi công từ 30/3, với diện tích khoảng 1,5ha, tổng mức đầu tư gần 8,2 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ cuối năm 2020, đảm bảo cung cấp, bổ sung nguồn nước tưới phục vụ khoảng 70ha đất sản xuất nông nghiệp cho bà con vùng đồng bào DTTS xã Ea Bia.
Ngoài ra, huyện Sông Hinh cũng vừa khởi công dự án cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bar với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Dự án gồm công trình thu và máy bơm; trạm xử lý nước sạch; mạng lưới cấp nước sạch đến tận các hộ dân vùng đồng bào DTTS của xã. Dự kiến, công trình nước sạch này sẽ cấp nước sinh hoạt cho hơn 900 hộ dân, với hơn 6.100 nhân khẩu, giúp người dân thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ nhiều năm nay.
Ông Đào Sĩ Chiến ở xã Ea Bar, bày tỏ: Nhiều năm nay, người dân ở khu vực này vẫn sống chung với cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt, ăn uống. Vào mùa khô, xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. Do chi phí đào giếng khá lớn, nên cứ 3-4 hộ dân ở gần nhau góp tiền đào 1 giếng từ 40-50 triệu đồng. Thế nhưng, không phải lúc nào giếng này cũng đủ nước cho các hộ dân sử dụng; nhất là vào mùa khô. Bây giờ, chính quyền địa phương đầu tư công trình nước sạch đến tận nhà dân, chúng tôi rất phấn khởi và mong công trình sớm hoàn thành để cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Bên cạnh các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, huyện Sông Hinh cũng đặc biệt quan tâm các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa văn nghệ, giải quyết việc làm… nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân miền núi. Các chương trình, chính sách dành cho người đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Trong năm, địa phương đã xây dựng Trạm Y tế xã Đức Bình Tây, Trạm Y tế xã Đức Bình Đông để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân tại cơ sở; kiên cố hóa trường học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của ngành.
Ông Lê Hoài Lâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Trol, xã Ea Trol, chia sẻ: Nhà trường vừa xây mới một dãy lớp học 8 phòng cho khối cấp 2 và được đầu tư 8 phòng chức năng phục vụ việc dạy và học của trường.
Dãy lớp học phục vụ dạy học cho 651 học sinh, trong đó 99% là trẻ em đồng bào DTTS của xã đặc biệt khó khăn Ea Trol. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đồng thời cũng là điều kiện để Trường THCS Ea Trol nỗ lực đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành tiêu chí về trường học trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, các chính sách và hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo được địa phương quan tâm thực hiện. Trong năm, huyện Sông Hinh đã thực hiện tốt các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020 hỗ trợ chăn nuôi bò cái giống sinh sản tại xã Ea Bia và Ea Ly; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã ngoài Chương trình Nghị quyết 30a và Chương trình 135 đối với xã Ea Ly và Đức Bình Đông.
Địa phương cũng tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động; dạy nghề cho 421 lao động nông thôn; triển khai các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện…
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, toàn huyện có 22 dân tộc sinh sống, trong đó có 21 DTTS với 24.748 người, chiếm 47,76% dân số, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày… Toàn huyện có 5 xã và 12 thôn/buôn đặc biệt khó khăn.
Nhìn chung, đời sống người đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, nên địa phương luôn tranh thủ lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, với mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng sản xuất, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện trên mọi lĩnh vực; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,49%/năm.
Thời gian tới, huyện Sông Hinh tiếp tục triển khai các dự án, chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở cho các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn; giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống người đồng bào DTTS trên địa bàn. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
NGÔ XUÂN