Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần (CSSKTT) dựa vào cộng đồng; nhiều hoạt động để trợ giúp, CSSKTT theo đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần (NTT), người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020.
Nhiều hoạt động trợ giúp
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình CSSKTT dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc bệnh nhân mới, quản lý tốt số bệnh nhân cũ, lồng ghép hiệu quả công tác CSSKTT vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Sở LĐ-TB-XH thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về bệnh tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho các cán bộ; truyền thông về SKTT, tránh phân biệt đối xử, coi thường và miệt thị người bệnh. Nhờ đó, hơn 2.500 NTT trên địa bàn tỉnh được quản lý tại cộng đồng và sự kỳ thị đã được giảm bớt. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho bệnh nhân và gia đình họ.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, tập trung tuyên truyền công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT. Qua đó nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng cho NTT và rối nhiễu tâm trí. Ngoài ra hàng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức hưởng ứng nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH cũng đã phối hợp với Trường đại học Lao động xã hội (cơ sở II - TP Hồ Chí Minh) tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho gần 100 hộ gia đình có người mắc bệnh tâm thần, rối loạn tâm thần và cán bộ làm công tác xã hội nhằm giúp họ có kiến thức về cách chăm sóc, trợ giúp NTT. Đặc biệt, tỉnh đã đưa vào hoạt động và sử dụng Phân khu tâm thần (Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh), nơi đang nuôi dưỡng, kết hợp điều trị cho hơn 50 NTT, rối nhiễu tâm trí, giúp họ điều trị kết hợp lao động, vui chơi, nghỉ ngơi... Đặc biệt là tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với NTT để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
Bà Hoàng Thị Hoài Thu, giảng viên Trường đại học Lao động xã hội chia sẻ: Để chăm sóc tốt sức khỏe NTT tại cộng đồng, cần thực hiện nhiều hoạt động để thay đổi nhận thức của các thành viên gia đình, cộng đồng; khuyến khích người bệnh tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn phù hợp. Theo bà Thu, thông thường, một số người có vấn đề về rối loạn tâm thần cho rằng tình trạng bệnh tật của họ là do một thế lực ma quỷ, chúa trời xử phạt kiếp trước, hay do số phận định đoạt. Vì vậy, không ít gia đình từ chối mọi hình thức chữa trị có tính khoa học và tìm tới cúng bái trừ tà ma hoặc sử dụng các loại thuốc tự chế. Bởi vậy, nhân viên công tác xã hội nên giải thích, tư vấn giúp cho người bệnh và gia đình thay đổi quan điểm, nhận thức, từ đó tìm tới sự trợ giúp chuyên môn. Ví dụ như bệnh viện tâm thần, trung tâm công tác xã hội, trung tâm y tế, cơ sở tư vấn tham vấn trị liệu tâm lý…
Truyền thông nâng cao trợ giúp của cộng đồng
Theo ông Đinh Viết Hậu, phần đông NTT do gia đình tự quản lý và tự chăm sóc. Nhiều trường hợp gia đình quá khó khăn (nhất là cha mẹ già yếu) không có điều kiện quản lý chăm sóc nên phải dùng các hình thức buộc xích hết sức thương tâm, làm cho bệnh tình của NTT ngày càng trầm trọng. Nhiều trường hợp NTT lên cơn bất thường dùng vật cứng đánh chết cha, mẹ hoặc người thân gây bức xúc trong cộng đồng. Một số đối tượng tâm thần bỏ nhà lang thang, ngoài việc ảnh hưởng mỹ quan đô thị, còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất trật tự nơi công cộng...
Trong thời gian tới, việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng, CSSKTT tại các trung tâm y tế, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn dành cho cộng tác viên hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, NTT, người rối nhiễu tâm trí, các cơ sở bảo trợ xã hội được tập trung thực hiện. Đồng thời hỗ trợ các gia đình có NTT, người rối nhiễu tâm trí biết cách sử dụng các dịch vụ xã hội nhằm giúp các đối tượng trong quá trình điều trị. Tiếp tục phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, như: hỗ trợ xây dựng các cơ sở phòng, trị liệu rối nhiễu tâm trí, NTT ở các huyện, thị xã, thành phố có đông đối tượng, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho họ. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp NTT. Đồng thời tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về tầm quan trọng của các hoạt động ngăn ngừa, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho NTT và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, hoạt động tâm lý trị liệu, can thiệp xã hội, phục hồi chức năng, điều trị y tế… Hỗ trợ các gia đình có NTT, người rối nhiễu tâm trí biết cách sử dụng các dịch vụ xã hội nhằm giúp các đối tượng trong quá trình điều trị.
KIM CHI