Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các ban ngành, đoàn thể đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc điều hành Sở LĐ-TB-XH, cho biết:
- Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Trong giai đoạn 2016-2020, giảm nghèo bền vững là một trong những vấn đề được các cấp, ngành và hội, đoàn thể trong tỉnh quan tâm và được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra
* Để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI sớm đi vào cuộc sống, ngành LĐ-TB-XH đã tham mưu và có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Võ Văn Binh |
- Ngành đã tập trung tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và các địa phương huy động mọi nguồn lực trong xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo. Các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được thiết kế phù hợp, có tính thống nhất, đồng bộ giữa mục tiêu và những hoạt động cụ thể của chương trình. Qua đó góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, gắn với tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện để tăng thu nhập cho hộ nghèo.
Toàn tỉnh đã vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; hỗ trợ nâng cao kiến thức tổ chức sản xuất, làm ăn, vay vốn sản xuất, chăn nuôi, thực hiện và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; rà soát nắm chắc thực trạng đời sống nhân dân, trợ giúp kịp thời các đối tượng khó khăn, gặp rủi ro...
* Kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
- Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 2-2,2%/năm. Kết quả thực hiện trong 4 năm 2016-2019, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm 8,69% (bình quân mỗi năm giảm 2,17%), đạt 109% chỉ tiêu kế hoạch. Riêng các xã nghèo, huyện nghèo giảm bình quân 4%/năm. Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 30.803 hộ, tỉ lệ hộ nghèo 12,62%. Đến cuối năm 2019 còn 10.271 hộ nghèo, chiếm 3,93%. Dự ước cuối năm 2020 còn 2,54% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra.
Có thể nói, những chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trong giai đoạn 2016-2020 phù hợp và đồng bộ, đã có sự gắn kết giữa đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu với quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh các hoạt động chủ yếu của chương trình còn tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội như: y tế, giáo dục, nhà ở, vốn tín dụng...
đã giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt với sự giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, thay vào đó hỗ trợ có điều kiện tạo cho người nghèo không còn ỷ lại, trông chờ. Đồng thời tăng cường kết nối về kinh tế và xã hội giữa các địa phương, tạo việc làm thông qua việc cải thiện hạ tầng cơ sở và duy tu bảo dưỡng, nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hạ tầng cơ sở vào sản xuất; tăng cường sự tham gia của những hộ nghèo trong cộng đồng trong quá trình ra quyết định phát triển của địa phương. Đối tượng thụ hưởng chương trình đã được mở rộng theo hướng tiếp tục hỗ trợ đối với một số chính sách cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Đây là định hướng đúng đắn nhằm giúp cho chương trình đạt được mục tiêu bền vững trong công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo. Theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, trong 4 năm 2016-2019, Phú Yên chỉ có 297 hộ tái nghèo, chiếm 0,96% hộ nghèo (giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ hộ tái nghèo hơn 7,5% so với tổng số hộ nghèo).
Dự án nhân rộng mô hình nuôi bò giảm nghèo bền vững đã giúp cho hàng ngàn hộ thoát nghèo. Ảnh: KIM CHI |
Các địa phương, huyện nghèo đã đầu tư 55 công trình xây dựng mới, duy tu sửa chữa 33 công trình nhỏ. Các công trình đã đáp ứng nhu cầu và thu lợi rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá thu mua sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo và vùng khó khăn đã giúp cho nhân dân các xã miền núi, vùng xa cải thiện đời sống...
Với những kết quả trên có thể khẳng định, những chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo là phù hợp, thu hút các tầng lớp tham gia, đa dạng hóa các nguồn lực. Công tác giảm nghèo luôn được coi trọng và đạt kết quả khả quan. Nhiều chính sách, dự án giảm nghèo triển khai có hiệu quả, các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể, đời sống người dân được nâng lên.
Những chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai trong giai đoạn 2016-2020 phù hợp và đồng bộ, đã có sự gắn kết giữa đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu với quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. |
Hầu hết các hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất… Trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chính sách, dự án giảm nghèo và an sinh xã hội, như chính sách trợ giúp người nghèo về nhà ở, y tế, giáo dục, vay vốn phát triển sản xuất và đào tạo nghề lao động nông thôn. Các dự án như đầu tư hạ tầng cơ sở bãi ngang ven biển, Chương trình 135 đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất của địa phương, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững
* Ngành LĐ-TB-XH có những đề xuất gì để công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đạt những kết quả tích cực và cao hơn?
- Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 1,5-2% tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới). Riêng các xã nghèo, xã thuộc vùng khó khăn giảm bình quân 2,5-3%/năm.
Để đạt mục tiêu trên, ngành LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai các dự án, chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Các dự án sẽ được triển khai theo hướng tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đi vào những nội dung cụ thể, ưu tiên cho các địa phương có số lượng hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và giảm nghèo theo hướng bền vững.
Đối với các chính sách hỗ trợ người nghèo, sở tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở, thông tin, trong đó đặc biệt quan tâm đối với nhà ở cho hộ nghèo. Xây dựng các chương trình lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đối với các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; xã, thôn/buôn đặc biệt khó khăn miền núi và dân tộc thiểu số, đảm bảo các công trình phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế cho người dân nói chung và người nghèo ở các vùng dự án.
Đồng thời thực hiện tốt việc lồng ghép các chính sách, chương trình giúp người nghèo có điều kiện tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
KIM CHI (thực hiện)