Ngày 30/9, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng 100 máy thở do Hoa Kỳ mới sản xuất để hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Buổi lễ trao tặng có sự tham dự của giáo sư Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink, Giám đốc USAID Việt Nam Ông Michael Greene.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định trao tặng Việt Nam 100 máy thở mới sản xuất. Việc trao tặng thiết thực này được thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump về hỗ trợ những thiết bị cần thiết giúp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19. Số máy thở này được sản xuất tại Mỹ với công nghệ tiên tiến, nhỏ gọn, dễ lắp đặt và vận hành.
Việc bổ sung thêm các máy thở cho công tác điều trị bệnh COVID-19 sẽ giúp tăng cường năng lực điều trị của Việt Nam, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 cần sự hỗ trợ của máy thở.
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết: “Thế giới ấn tượng với chiến lược và các giải pháp chủ động của Việt Nam trong phòng, chống Đại dịch COVID-19, nhưng dịch bệnh nghiêm trọng này vẫn là một mối đe dọa đối với Việt Nam và cả thế giới. Hoa Kỳ cảm kích về sự hỗ trợ của Việt Nam về các thiết bị bảo hộ cho cuộc chiến phòng, chống COVID-19 của Hoa Kỳ. Dựa trên nền tảng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước trong 25 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ những người bạn tại Việt Nam thông qua việc trao tặng 100 máy thở để giúp ứng phó với đại dịch COVID-19”.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng đánh dấu quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực y tế cũng như phòng, chống COVID-19. Với những máy thở được hỗ trợ lần này, Bộ Y tế giao Bệnh viện Phổi Trung ương đại diện tiếp nhận và phân phối, sử dụng.
Ngoài số máy thở này, Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua USAID cam kết tài trợ 9,5 triệu USD cho Việt Nam để ứng phó đại dịch COVID-19 nhằm trợ giúp cải thiện chăm sóc lâm sàng, phổ biến các thông điệp sức khỏe, tăng cường năng lực phòng xét nghiệm, cải thiện công tác giám sát dịch tễ cũng như hỗ trợ sự hồi phục của khu vực kinh tế tư nhân thông qua giảm nhẹ những tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng được mở rộng và phát triển. Từ những hoạt động nhằm hỗ trợ người khuyết tật từ 30 năm về trước cho tới những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS thông qua Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR).
Tiếp đó là Chương trình ứng phó với bệnh lao thông qua CDC Hoa Kỳ đã cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chương trình Chống Lao Quốc gia của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả cho các hoạt động phát hiện, điều trị và ngăn ngừa bệnh lao; Chương trình phòng chống cúm mùa: Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, một chương trình quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, trong đó hỗ trợ Việt Nam ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch COVID-19.
Các dự án, chương trình hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, đã, đang và sẽ đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Việt Nam.
Theo Vietnam+