Mùa mưa bão năm nay đang đến gần, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lên phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại. UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương chủ động ứng phó.
Ảnh hưởng trực tiếp từ 1-2 cơn bão
Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm nay, Phú Yên có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Tổng lượng mưa các nơi trong tỉnh phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%, số đợt mưa lớn diện rộng có khoảng 4-6 đợt, tập trung từ tháng 10-12. Từ nửa tháng 9-12/2020, trên các sông ở Phú Yên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn, đạt mức báo động cấp II-III. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ trên báo động III, xảy ra hiện tượng sạt lở đất.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: UBND thị xã đã rà soát, bổ sung kế hoạch và triển khai phương án phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai đến các địa phương trên địa bàn, đặc biệt là ứng phó mưa bão, lũ lụt. Hiện trên địa bàn thị xã còn khoảng 35.000 lồng nuôi tôm hùm, là đối tượng nuôi dễ bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Địa phương đang vận động người nuôi thủy sản khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ, nhằm tránh thiệt hại do mưa bão gây ra. Đối với các khu dân cư trũng thấp có khả năng ngập lụt và các khu vực ven biển có khả năng ảnh hưởng bởi triều cường, địa phương cũng đã có phương án ứng phó và di dời dân đến nơi an toàn.
Còn tại Sông Hinh, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện này cho biết, huyện vừa sơ kết công tác PCTT-TKCN 8 tháng đầu năm 2020 và triển khai công tác các tháng còn lại. Là huyện miền núi nên khi bão xuất hiện thì các loại cây trồng sẽ ảnh hưởng nặng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 20 hồ thủy lợi nhỏ, xây dựng đã lâu nên mức độ an toàn không cao, vì vậy huyện đã có phương án ứng phó khi các hồ này xảy ra sự cố trong mùa mưa bão sắp tới.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 sẵn sàng”, phương châm “4 tại chỗ”
Theo các địa phương, khó khăn nhất hiện nay trong công tác PCTT-TKCN là ở cơ sở còn thiếu các trang thiết bị chuyên dụng, lực lượng tham gia kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, người dân vẫn còn chủ quan trong phòng tránh thiên tai… Ông Nguyễn Văn Thành kiến nghị tỉnh cần quan tâm hỗ trợ huyện Sông Hinh đầu tư xây dựng cống, tràn đường đi vào hồ chứa nước La Bách vì vào mùa mưa có một số vị trí ngập từ 0,5-1,5m, gây khó khăn cho việc đi lại trên tuyến đường này. Tỉnh cũng cần hỗ trợ địa phương trong công tác điều tra, đánh giá an toàn hồ đập và cắm mốc quan trắc đối với các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn…
Trong khi đó, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa thì đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện này và hỗ trợ ca nô, máy phát điện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN.
Ông Phạm Chí Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ; thực hiện nghiêm nguyên tắc 3 sẵn sàng (chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đang làm việc với các địa phương, đơn vị trong công tác PCTT-TKCN và kiểm tra an toàn các đập thủy lợi, thủy điện. Sau đợt kiểm tra này, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ đề xuất cụ thể để UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có hướng chỉ đạo tiếp theo.
Các địa phương xác định những khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để chủ động xử lý các tình huống xảy ra. Sẵn sàng các phương án bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh |
ANH NGỌC