Xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa không phải chuyện ngày một, ngày hai, mà là cả một hành trình gian khó. Ý chí không cam chịu đói nghèo, vượt khó đổi đời trên vùng đất gian khó của bà Hoàng Thị Thủy ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) rất đáng trân trọng.
Tìm cơ hội thoát nghèo
Hơn 25 năm trước, Ea Ly là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sông Hinh. Trong ký ức nhiều người, Tân Lập (xã Ea Ly) là vùng đất hoang sơ, nhìn đâu cũng thấy rừng, đồi núi bao quanh. Giá rét, bệnh tật giữa chốn rừng thiêng nước độc đã trở thành nỗi ám ảnh với những người đi xây dựng vùng kinh tế mới nơi này.
Ngồi trước mặt chúng tôi, bà Hoàng Thị Thủy, 58 tuổi, người dân tộc Tày có hơn 20 năm gắn bó với vùng đất Tân Lập nhắc về chuyện cũ: “Quê tôi ở ngoài Lạng Sơn nhưng vì gia cảnh khó khăn nên năm 1986 gia đình tôi quyết định vào Nam lập nghiệp. 10 năm sống ở đất Xuân Lộc (Long Khánh, Đồng Nai) nhưng cuộc sống không ổn định, nên gia đình tôi di cư đến Ea Ly tìm cơ hội thoát nghèo. Năm 1996, vợ chồng tôi dắt díu theo 5 đứa con nhỏ, đứa lớn chỉ mới 12 tuổi, còn đứa nhỏ vừa lên 2. Thời gian đầu cơ cực lắm!”. Đói lạnh, sốt rét rừng là những gì mà gia đình bà thấm thía trong buổi đầu định cư trên vùng đất mới.
Nhờ tích góp được ít tiền trong thời gian ở Đồng Nai, bà Thủy cùng chồng là ông Hứa Văn Thấy mua đất của những người vào lập nghiệp trước đó để gieo lúa, bắp lo cái ăn trước mắt. Sau đó vợ chồng ra sức khai hoang. “Thời đó, máy móc không có, chủ yếu làm bằng sức người. Nhưng vợ chồng tôi xác định, đã đi làm kinh tế mới, khó khăn là điều không tránh khỏi nên động viên nhau nỗ lực vượt qua”, bà Thủy nhớ lại.
Cũng may nhờ đất tốt, tiết trời thuận lợi cùng với sự động viên giúp đỡ của bà con lối xóm, chính quyền địa phương quan tâm, sau nhiều năm miệt mài đổ mồ hôi công sức, trên những mảnh đất khai hoang ngày nào đã phủ xanh màu lúa, bắp tốt tươi. Dự cảm về những tháng ngày tốt đẹp hiện ra trước mắt vợ chồng bà Thủy.
Sau những vụ mùa làm lụng chuyên cần, gia đình bà Thủy không chỉ đủ cái ăn cái mặc, mà còn có điều kiện cho con cái ăn học. 5 người con của vợ chồng bà, ngoại trừ người con trai thứ hai không may bị mắc bệnh bại não thì 4 người con còn lại thấu cảm cảnh nhà khó khăn, thương cha mẹ vất vả nên ra sức phụ giúp việc nhà, nỗ lực học tập tạo lập tương lai cho ngày sau.
Ngày mới
Với suy nghĩ làm nghề nông muốn phát triển kinh tế phải có nhiều đất sản xuất, nên sau mỗi vụ mùa, vợ chồng bà Thủy đều dành dụm tiền mua đất. Nhờ vậy, sau nhiều năm gia đình bà sở hữu hơn 10ha đất trồng cây các loại. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng bà áp dụng mô hình trồng xen canh cây ăn quả với các loại cây hoa màu; trồng xen cây ngắn ngày với cây trồng lâu năm theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời lớp tập huấn nào tổ chức ở địa phương có cán bộ khuyến nông trên huyện, trên tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, cao su, cà phê, nuôi bò, nuôi heo… bà đều tham gia. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp mới nên thu nhập tăng cao sau mỗi vụ mùa.
Ngồi trong ngôi nhà khang trang được xây cất từ hơn 5 năm trước, bà Thủy hướng mắt về khu vườn xanh ngát các loại cây như bơ, cam, xoài, mít, bưởi, mãng cầu, thanh long, cao su, rồi tươi cười: “Các con tôi hiện nay đã lập gia đình nên vợ chồng tôi chia 7ha đất cho chúng để tạo dựng cuộc sống riêng. Hơn nữa, chúng tôi cũng lớn tuổi không thể suốt ngày ở ngoài đồng được nên ngoài 3,5ha đất trồng lúa nước, cây ăn quả và 1.000 gốc cây cao su, tôi bàn với chồng chuyển sang chăn nuôi heo”.
Hiện tại, mô hình nấu rượu kết hợp nuôi heo đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình bà Thủy. Mỗi năm, bà Thủy bán ra thị trường hơn 2 tấn heo thịt. Tổng nguồn thu từ chăn nuôi kết hợp với trồng lúa, cao su, cây ăn quả của vợ chồng bà Thủy khoảng 200-250 triệu đồng/năm. Một số tiền không hề nhỏ với người nông dân miền núi hiện nay. Hỏi về bí quyết làm kinh tế, bà Thủy cười nói: “Gia đình tôi chẳng có bí quyết gì cả. Theo tôi, làm nghề nông không chỉ siêng năng, chịu khó, mà cần phải có đầu óc nhanh nhạy, biết quan sát tính toán tìm ra phương pháp làm kinh tế phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình là có thể mang lại hiệu quả”.
Chị Đàm Thị Nam, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ly nói: Ở đây, nói đến bà Thủy người ta không chê vào đâu được. Gia đình bà luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định của địa phương; tích cực tham gia góp sức, góp tiền, hiến đất xây dựng tuyến đường nội đồng để thuận lợi việc sản xuất cây lúa nước trong thôn. Bà còn là tấm gương sản xuất giỏi, nuôi dạy con cái thành tài ở địa phương. Các con của bà đều được học hành đàng hoàng, có công việc ổn định. Trong đó người con trai thứ ba đang làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, còn người con gái út đang công tác tại Công an huyện Sông Hinh.
Với những nỗ lực đóng góp của bản thân, năm 2009, bà Thủy được Ủy ban Dân tộc tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; năm 2013, bà được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng gia đình văn hóa; năm 2020, Hội LHPN tỉnh tặng bà bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020. |
NGỌC DUNG