Thứ Ba, 15/10/2024 05:18 SA
Lan tỏa yêu thương từ mái ấm gia đình
Thứ Ba, 18/08/2020 13:00 CH

Niềm hạnh phúc khi tự tay nấu ăn cho gia đình. Ảnh: THIÊN LÝ

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp làm cuộc sống của nhiều người dân đảo lộn. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã tìm ra cách để có thể điều chỉnh cuộc sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

 

Ở một khía cạnh nào đó, COVID-19 đang khiến nhiều người nhìn nhận, đổi thay để sống có trách nhiệm hơn với những người thân yêu trong gia đình - điều mà lâu nay vì tất bật với công việc mà nhiều gia đình xao nhãng.

 

Ấm áp bữa cơm gia đình

 

Trước đây, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa vì bận rộn với công việc nên phải thường xuyên ăn “cơm hàng cháo chợ”. Tuy nhiên, từ đợt giãn cách xã hội trong tháng 4/2020, khi người dân hạn chế ra đường, chính quyền cấm tụ tập đông người, đóng cửa tạm thời các dịch vụ, cửa hàng quán xá… không cần thiết, gia đình chị bắt đầu quen dần với những bữa cơm nhà có đầy đủ thành viên trong gia đình. Cả nhà vừa dùng bữa vừa theo dõi thời sự trên tivi, xem tin tức về diễn biến của dịch bệnh, rồi cùng nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang, rửa tay khô… để phòng bệnh. Hơn lúc nào hết, giờ đây gia đình chị mới cảm nhận được những khoảng lặng dành riêng cho nhau, cảm thấy hơi ấm gia đình thật sự, không còn xô bồ, bon chen như trước đây. “Mỗi ngày được ăn cơm với những người mình yêu thương, có chồng và con bên cạnh, cảm thấy thật ấm áp. Bây giờ tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa của bữa cơm gia đình. Cái không khí ấm áp của gia đình mà mỗi một người phụ nữ luôn muốn có, chỉ giản dị thế thôi...”, chị Lan chia sẻ.

 

Không riêng chị Lan, mà còn rất nhiều người, đặc biệt là các thành viên trong mỗi gia đình đều cho rằng COVID-19 đã khiến họ nên sống chậm lại để thấu hiểu hơn tình cảm của người thân, kết nối các mối quan hệ trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Hoa ở phường 6, TP Tuy Hòa cho biết: “Nếu như trước đây, chồng và các con tôi thường xuyên ăn tối ở quán xá, nhà hàng thì giờ đây, các thành viên trong gia đình lại quây quần bên bữa cơm gia đình; cùng pha một ấm trà ngon để thưởng thức, cùng tâm sự với nhau nhiều hơn”.

 

Nhiều bà nội trợ tâm sự rằng, do tác động của COVID-19, bữa cơm gia đình cũng có sự thay đổi. Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, các chị em tích cực đăng tải hình ảnh những bữa cơm nhà. “Tôi nghĩ, bữa cơm gia đình không nên quá cầu kỳ. Tuy nhiên, tôi lên thực đơn các món sao cho đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà nhưng cũng không nhàm chán. Tôi luôn chú trọng bổ sung những món ăn tăng cường sức đề kháng; những món ăn dễ nấu, tốt cho sức khỏe, cùng với đó là những loại hoa quả tráng miệng giàu vitamin C như: cam, bưởi, thơm… Như vậy, tôi đã có một bữa cơm chan chứa tình cảm khiến chồng và các con vui thích hơn”, chị Đào Thị Lành ở xã An Mỹ, huyện Tuy An nói.

 

Gắn kết các thế hệ

 

Theo kết quả điều tra về gia đình Việt Nam, mô hình hộ gia đình 2 thế hệ khá phổ biến (chiếm 63,4%). Hộ gia đình 3 thế hệ trở lên - gia đình mở rộng có xu hướng giảm. Hình thái gia đình hạt nhân tỏ ra có nhiều ưu điểm hơn bởi tồn tại như một đơn vị độc lập, gọn nhẹ và có khả năng thích ứng nhanh với các biến chuyển của xã hội. Tuy nhiên, gia đình hai thế hệ có sự đứt gãy trong việc trao truyền kinh nghiệm sống, lễ giáo... từ ông bà, người cao tuổi trong gia đình.

 

ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), cho rằng cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn, thời gian dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình mỗi ngày một ít hơn. Dường như ai cũng vội, ai cũng thiếu thời gian... nên không có nhiều cơ hội để tâm tình, để quan tâm đến nhau. Thêm nữa, do quá trình công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa và di cư lao động nên con cái trưởng thành có xu hướng rời xa cha mẹ để đi lao động kiếm sống. Hệ quả là một bộ phận không nhỏ cha mẹ già phải sống cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cháu chủ yếu thông qua điện thoại. Thậm chí, một bữa cơm gia đình cũng không trọn vẹn.

 

“Vì vậy, nhìn từ góc độ tích cực, dịch COIVD-19 cũng là cơ hội để nhiều người tìm về giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái; những việc mà ngày thường bận rộn họ không thể có đủ thời gian thực hiện. Sợi dây gắn kết yêu thương từ đó cũng được bền vững hơn khi mà các thành viên trong gia đình đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau, sẻ chia yêu thương và cùng nhau gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống”, ThS Hoa Hữu Vân bày tỏ.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL nhìn nhận: “Chắc chắn không chỉ ở thời điểm này mà sau khi dịch bệnh kết thúc, mỗi thành viên trong gia đình cũng sẽ ý thức hơn trong việc vun đắp tình cảm. Đây cũng là dịp để mỗi người xem xét, nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, điều chỉnh suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp nên một phần không nhỏ, để xây dựng một xã hội văn minh, tràn đầy những giá trị tốt đẹp, nhân văn”. 

 

Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển từ những chuẩn mực giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị truyền thống của người Việt Nam như: sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em... Truyền thống gia đình người Việt Nam đáng quý nhất là dạy con biết “đối nhân xử thế”, học trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc...

 

TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VH-TT-DL

 

THIÊN LÝ - NGUYỄN YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek