Thứ Bảy, 12/10/2024 04:49 SA
Ngày 1/4 trong lòng người dân
Thứ Tư, 01/04/2020 07:56 SA

Đã 45 năm trôi qua nhưng với nhiều người dân Phú Yên, ký ức về ngày giải phóng tỉnh nhà 1/4/1975 vẫn vẹn nguyên và in đậm với rất nhiều cảm xúc…

 

BÀ NGUYỄN THỊ NGÂN (PHƯỜNG 4, TP TUY HÒA): Không bao giờ quên giây phút tiếng loa giải phóng vang lên

 

Ngày 1/4/1975, tỉnh Phú Yên được giải phóng, lúc đó tôi 34 tuổi. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh nhà thì mọi ký ức lại ùa về, niềm vui, cảm xúc của ngày đó với tôi vẫn in đậm trong tâm trí. Tôi vẫn ngồi với các con và kể về khoảnh khắc đó.

 

Trước ngày giải phóng, bến xe chợ Tuy Hòa (khu vực gia đình tôi sinh sống) lính ngụy rất đông. Đa số là lính tháo chạy từ Buôn Ma Thuột và các tỉnh Tây Nguyên về Phú Yên, không biết đi đâu nên tụ tập ở bến xe, chờ cơ hội bỏ trốn.

 

Sáng sớm 1/4, tôi mở cửa xem động tĩnh ra sao, bỗng nhiên nghe tiếng pháo, tiếng súng nổ liên hồi. Tụi lính ngụy bắt đầu chạy tán loạn. Cả nhà lúc đầu cũng sợ. Khi thấy bà con xung quanh đùm túm, dắt nhau bỏ chạy, vợ chồng tôi cũng dắt mấy đứa con chạy xuống chợ cá (phường 6) chui xuống hầm nhà bà con tránh đạn.

 

Đến khoảng 9, 10 giờ cùng ngày, nghe có vẻ im ắng, một số người chui ra khỏi hầm tránh trú để nghe ngóng tình hình, dò la tin tức. Lúc đó, chúng tôi nghe rất rõ tiếng loa giải phóng của bộ đội ta: “A lô, a lô… Bà con, dân chúng không nên chạy nữa, nhà ai nấy về”. Khoảnh khắc đó tôi không bao giờ quên. Tuy Hòa được giải phóng rồi. Sự thật sau hơn 20 năm đợi chờ mà cứ như trong mơ. Nhiều người không tin vào tai mình. Bà con và cả nhà tôi ai cũng mừng rỡ, chui lên khỏi hầm, bước ra đường. Lúc này đường phố đã im tiếng súng, chỉ có bóng dáng của những chiến sĩ Giải phóng quân cùng rất đông người dân đang cùng nhau trên đường trở về nhà. Gia đình chúng tôi trở về nhà trong sự mừng vui không tưởng.

 

Giây phút của ngày quê hương được giải phóng, không còn tiếng đạn bom thật là vui sướng! Vậy là từ nay không còn chiến tranh, không còn cảnh phải sống trong thấp thỏm âu lo, sơ tán, chạy loạn, trú ẩn nữa. Bà con chòm xóm yên tâm làm ăn, buôn bán, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Ngày 1/4, ngày TX Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng, tôi mãi mãi không bao giờ quên.

 

BÀ NGUYỄN THỊ TẠNH (XÃ AN MỸ, HUYỆN TUY AN): Ngày vui được chờ đợi sau hơn 20 năm

 

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, chính quyền ngụy bắt dân dồn vào ấp chiến lược. Người dân tất cả các thôn ở xã An Mỹ đều phải nộp cọc, nộp tre để làm hàng rào. Ai không có phải nộp tiền. Ban ngày, chúng mở cổng cho bà con đi làm. Ban đêm chúng đóng chặt cửa lại, bắt mọi người phải ở trong ấp. 9 giờ tối, tất cả dân trong ấp phải đi ngủ, không được nói chuyện ồn ào; nhà ai nấy ở. Xung quanh ấp, bọn dân vệ canh gác cẩn mật, hàng rào được gài lựu đạn. Nghe tiếng chó sủa, lựu đạn nổ là bọn lính gác xả súng bắn vu vơ.

 

1967 là năm đánh phá ác liệt của bọn lính Mỹ và Nam Triều Tiên tại Tuy An, gia đình tôi và dân làng phải kéo nhau lên đồng Rọc để tránh bom đạn. Cả xã kéo nhau đi rất đông, những người ở lại chủ yếu là người già. Làng xóm tiêu điều, trống huơ trống hoác. Năm 1969, hàng ngày, bọn lính Mỹ xuống làng càn quét, đốt phá, gây ra nhiều thảm họa cho người dân. Nhiều cụ ông, cụ bà, trẻ em vì đói ăn, khát uống, sức cùng lực kiệt và trúng bom đạn chết oan. Mỗi lần bọn chúng dồn dân là người dân nơm nớp lo sợ. Đi thì khổ, không đi thì bị bọn chúng bắn chết ngay tại chỗ.

 

Với hành động điên cuồng đó, bọn chúng hòng ngăn chặn các chiến sĩ cách mạng về làng, ngăn chặn nhân dân tiếp xúc với Đảng, với cách mạng. Bọn chúng không thể hiểu được rằng, cách mạng ở trong lòng dân. Sống trong sự ràng buộc, o ép của kẻ thù nhưng gia đình tôi và người dân vẫn một lòng hướng về Đảng, về cách mạng; ngày ngày chắt chiu, gom góp gạo muối nuôi quân, chỉ chờ đợi cách mạng về giải phóng quê hương thoát khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù.

 

Ngày 1/4 giải phóng quê nhà, bà con ai nấy đều vui mừng khi có dịp gặp gỡ các anh bộ đội Giải phóng quân ở miền Bắc hay từ miền Nam trở về quê hương. Khi dừng chân tại xã An Mỹ, có 10 anh bộ đội ở nhà tôi khoảng nửa tháng. Cha mẹ tôi xem các anh như con cái, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho những bộ đội đang bị bệnh. Tôi thấy các anh bộ đội rất hiền, tươi cười, chuyện trò vui vẻ với người dân, giúp dân nhiều việc. Vì thế mà người dân càng thêm yêu quý Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ Giải phóng quân, rồi cùng nhau đón mừng ngày giải phóng. Những ngày đầu, chúng tôi - những nam nữ thanh niên trong làng, tham gia Chi đoàn Thanh niên thôn Hòa Đa, cùng nhau lên xã An Thọ giúp dân khai hoang lập ấp, ổn định cuộc sống mới.

 

ÔNG PHẠM NGỌC THÀNH (XÃ HÒA HIỆP NAM, HUYỆN ĐÔNG HÒA): Ngày ấy không thể nào quên

 

Ngày 1/4/1975 không thể nào quên trong tâm trí tôi. Đó là ngày quê hương Phú Yên hoàn toàn giải phóng.

 

Nhớ lại trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã kiên cường bám trụ, vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, anh dũng hy sinh viết tiếp những trang sử vàng chói lọi bằng những chiến công hiển hách.

 

Người dân chúng tôi vẫn ghi nhớ và luôn lấy làm tự hào về những chiến tích anh hùng như: Đồng khởi Hòa Thịnh; cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; chiến thắng Gò Thì Thùng và nhiều chiến công khác. Hình ảnh những người mẹ, người chị vừa chiến đấu với kẻ thù, vừa gạt nước mắt đưa tiễn hết chồng rồi đến con đi chiến đấu mà không hẹn được ngày về để tận mắt chứng kiến ngày quê nhà được giải phóng sẽ mãi mãi là những hình ảnh đẹp và bất tử.

 

Giây phút khi nghe tin quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, TX Tuy Hòa, Tuy An, Hiếu Xương, Đồng Xuân… và Phú Yên đã hoàn toàn giải phóng, nước mắt tôi và của bao người rơi xuống, nụ cười rạng rỡ trên môi - một cảm xúc tự hào, sung sướng không thể tả và không thể nào quên được. Sau hơn 20 năm ngập tràn bom đạn chiến tranh, bởi âm mưu chia cắt hai miền Bắc - Nam của kẻ thù, giờ đây quê nhà đã hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sắp sửa liền một cõi, có niềm vui nào bằng.

 

Từ chiến thắng 1/4, quân và dân Phú Yên tiếp tục góp sức cùng toàn quân và toàn dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, Phú Yên đã ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Sau 45 năm xây dựng và phát triển, Phú Yên đã thay da đổi thịt, đạt được những thành tựu rất quan trọng. Càng vui hơn khi mà Đông Hòa quê tôi đang trên đà phát triển để trở thành thị xã.

 

Là một người dân của Đông Hòa “lũy thép dưới chân đèo Cả”, tôi luôn cùng gia đình và bà con quê nhà ra sức phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động xã hội với mong muốn đem sức mình đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Tôi cũng kỳ vọng vào những thành tựu của đất nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng. Trước mắt, với sự đồng lòng, chung tay góp sức, chúng ta sẽ giành chiến thắng trong trận chiến chống “giặc” COVID-19. Huyện Đông Hòa sẽ trở thành thị xã trong năm 2020.

 

Trải qua những năm tháng chiến tranh, mới thấy hết ý nghĩa to lớn của chiến thắng 1/4/1975, mới cảm nhận hết giá trị của hòa bình. Nghĩ về ngày chiến thắng, càng không thể quên công lao vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Vì vậy, hơn ai hết, chúng ta càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau những năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới.

 

CHI LÝ THẢO (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek