Thứ Bảy, 12/10/2024 14:31 CH
Đảm bảo an sinh, vì cuộc sống người yếu thế
Thứ Tư, 25/03/2020 13:00 CH

Hội thi tìm hiểu nghề CTXH hàng năm là cơ hội để các cộng tác viên trao đổi, học tập phương pháp, kỹ năng xử lý tình huống trong nghề. Ảnh: KIM CHI

Nghề công tác xã hội (CTXH) đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế.

 

Sau hơn 9 năm triển khai đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đến nay, CTXH được công nhận là một nghề với nhiều công việc đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội; hướng tới mục tiêu tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của con người; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm CTXH.

 

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

 

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Thời gian qua, các sở, ban ngành trong tỉnh đã phối hợp với Báo Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục và thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của CTXH, thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực CTXH; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, nhiệm vụ của nghề CTXH.

 

Toàn tỉnh hiện có hơn 35.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; hàng chục ngàn hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn... Tất cả những đối tượng này đều là nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội cần sự quan tâm của Nhà nước, sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Hàng năm, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể đều dành thời gian, tình cảm, vận động kêu gọi để hỗ trợ, san sẻ những mảnh đời khó khăn.

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm CTXH Phú Yên (Sở LĐ-TB-XH), chia sẻ: CTXH là một công việc rất đặc thù, mỗi người làm nghề đều phải thấu hiểu, sẻ chia, kết nối, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội để họ tự vươn lên trong cuộc sống. Từ những cụ già neo đơn đến những trường hợp trẻ khuyết tật nặng, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện… rất cần sự kết nối, hỗ trợ của nhân viên CTXH.

 

Trong năm qua, Trung tâm CTXH đã kết nối tư vấn tâm lý, tham vấn hỗ trợ gần 100 trẻ em (thông qua tổng đài Tư vấn tâm lý miễn phí 02573890000). Đặc biệt, đơn vị đã kêu gọi, vận động từ các tổ chức, cá nhân từ thiện, tổ chức các hoạt động kết nối, giúp đỡ hàng ngàn trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng.

 

Tổ CTXH thuộc Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) gồm nhiều thành viên từ các phòng chức năng và các khoa lâm sàng đã thực hiện nhiều hoạt động: khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; tiếp nhận, khám và điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tư vấn, thăm hỏi, động viên, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…

 

Theo điều dưỡng Đào Mỹ Diễm Kiều, Trưởng Phòng Điều dưỡng - CTXH, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của CTXH nhất. Người làm CTXH ở bệnh viện không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân, mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ. Người làm CTXH đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ, giúp người bệnh yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế.

 

Đa dạng các dịch vụ

 

Sau hơn 9 năm triển khai đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh, thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đến nay, nghề CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng, các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

 

Đặc biệt, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội…

 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn CTXH với hoạt động từ thiện - xã hội, xem CTXH là công tác từ thiện. Trong khi thực chất CTXH là một nghề chuyên nghiệp được công nhận, đào tạo bài bản ở các trường đại học với ngành nghề cụ thể. Hoạt động CTXH là kết nối dịch vụ để giúp thân chủ (các đối tượng yếu thế trong xã hội, kể cả người giàu nhưng bị sang chấn tâm lý) để họ tự vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

Mặt khác, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền, nhân dân chưa hiểu rõ về CTXH, cũng như chưa rõ về vai trò, ý nghĩa của CTXH, nghĩ rằng là làm từ thiện, vận động, hỗ trợ khó khăn… Chính vì vậy cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, quản lý và cộng đồng đối với CTXH. Đặc biệt, tạo điều kiện để người làm CTXH hoạt động bài bản, đồng thời phát triển các mô hình CTXH để người yếu thế kết nối dịch vụ, tự thân vươn lên.

 

Theo ông Võ Văn Binh, trong thời gian tới, nghề CTXH sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng đổi mới mang tính chiều sâu hơn để bảo vệ quyền con người, xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng. Toàn ngành và các cấp liên quan sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân, đặc biệt là tổ chức các hoạt động thiết thực nhân Ngày nghề CTXH Việt Nam 25/3.

 

Các địa phương bố trí sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho đội ngũ cộng tác viên CTXH ở xã, phường đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ theo đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề CTXH. Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ trong việc theo dõi, phát hiện những hoàn cảnh thật sự khó khăn, kết nối với các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện và các dịch vụ xã hội khác để giúp các đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

Các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội cần tiếp tục nâng cao, đa dạng hóa, như ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng còn phải quan tâm đến các hoạt động học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống; tư vấn, tham vấn... Hình thành mạng lưới nhân viên CTXH trong hệ thống các cơ sở trường học.

 

Các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài ra, phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. Đồng thời có sự liên kết phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động và phong trào từ thiện tình thương.

 

Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động có hiệu quả. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên CTXH với chức năng nhiệm vụ được quy định. Toàn tỉnh có 7 cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các cơ sở này đã và đang cung cấp dịch vụ CTXH cho hơn 500 đối tượng người khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi và trẻ mồ côi, với các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, tham vấn tư vấn, dạy văn hóa, điều trị nghiện…

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek