Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta từ trước tới nay, chưa có văn bản nào phát huy tác dụng “ngay và luôn” như Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100).
Bởi vì Nghị định 100 ban hành ngày 30/12/2019 thì đã có hiệu lực trong hai ngày sau đó và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của công luận. Nét nổi bật là trong nghị định này, mức phạt cao nhất đối với người vi phạm nồng độ cồn được nâng lên rất cao khiến ai đó có ý định say sưa rồi tùy tiện lái xe như lâu nay giờ phải e dè, ngán ngại. Cụ thể, người đi xe máy mà có hơi men bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng. Còn đối với người lái ô tô, số tiền phạt là từ 30-40 triệu đồng và bị tước GPLX từ 22-24 tháng.
Đã gần nửa tháng qua, tin tức về những vụ xử phạt người vi phạm ở các địa phương trong cả nước theo Nghị định 100 được báo đài cập nhật đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với quan điểm chung là đồng tình ủng hộ văn bản này và lực lượng thực thi công vụ. Một diễn biến kéo theo thấy rõ là rất nhiều nhà hàng, quán nhậu ở các nơi sụt giảm đáng kể số lượng khách đến hàng ngày dẫn đến doanh thu sa sút nặng khiến chủ quán phải “méo mặt”. Nhưng nhiều chủ quán cho rằng việc ra đời của Nghị định 100 là rất cần thiết vì góp phần mạnh mẽ kéo giảm tai nạn giao thông tuy có ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Do đó, phải triển khai thực hiện ngay các dịch vụ hỗ trợ khách giữ xe qua đêm tại quán, chở khách hồi gia miễn phí sau khi tàn cuộc hay gọi giùm người nhà, taxi, xe ôm… Một chủ quán ở bờ kè Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Làm ăn có lúc này lúc khác là chuyện bình thường. Bây giờ Nhà nước đã có Nghị định 100 thì chúng tôi phải điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp mà vẫn sống được. Khách đã say bét nhè rồi mà cầm lái gây tai nạn hại mình, chết người thì cũng có phần trách nhiệm của quán vậy!
Nghị định 100 sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông gây ra bởi rượu bia đến đâu (nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này), chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá chính xác hầu có câu trả lời thuyết phục. Nhưng có một điều chắc chắn dễ thấy là nếu lực lượng chức năng (ở đây là cảnh sát giao thông) xử phạt nghiêm minh, kiên quyết theo đúng quy định pháp luật, không “khó bỏ, dễ làm” thì sẽ dần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ một thói xấu của người Việt ta lâu nay. Đó là tùy tiện cầm lái ô tô, xe máy sau khi đã “dzô dzô” tưng bừng, túy lúy để rồi gây ra tai nạn giao thông kinh hoàng, thảm khốc.
Trước đây, Chính phủ đã có các chỉ thị, quy định về cấm đốt pháo; về bắt buộc người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy và người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác phải đội mũ bảo hiểm. Các chỉ thị, quy định này đã đi vào đời thường với kết quả thiết thực cho đến tận bây giờ nhưng “tốc độ” ảnh hưởng và lan tỏa không sánh nổi với Nghị định 100. Vì thế, rất cần có thêm nhiều văn bản như Nghị định 100 vì nó sát hợp với thực tế, có tính khả thi cao, đáp ứng đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của hầu hết người dân để góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
SÔNG BA HẠ