Ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Trong hai ngày 1 và 2/1, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 615 tài xế vi phạm quy định này với tổng số tiền 816,8 triệu đồng.
Trong đó có trường hợp bị phạt đến 40 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng là tài xế Nguyễn Viết Bảy ((SN 1974, trú xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội). Trưa 2/1, ông Bảy điều khiển ô tô 30F-334.50 và trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức rất cao là 0,472mg/lít khí thở!
Có thể nói, thông tin các tài xế đã uống rượu bia mà lái xe bị xử phạt lan tỏa trên báo đài khiến những người hay “dzô dzô” choáng váng! Mà choáng là phải vì hành vi vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt đã nâng lên rất nhiều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, theo Nghị định 46, đối với người đi xe máy vi phạm mức cao nhất (mức 3) thì bị phạt từ 3-4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng. Còn theo Nghị định 100 thì bị phạt 6-8 triệu đồng, tước GPLX 22-24 tháng. Trong khi đó, đối với người lái ô tô, vi phạm mức 3 theo Nghị định 46 bị phạt 16-18 triệu đồng, tước GPLX 4-6 tháng; theo Nghị định 100, số tiền phạt nâng lên từ 30-40 triệu đồng, tước GPLX 22-24 tháng! So sánh các mức phạt này, anh N.V.T (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) lè lưỡi: Là thợ hồ, chiều nào xong việc, anh em bọn tôi cũng rủ nhau lai rai mấy bầu bia hơi hay bia chai Sài Gòn. Nhưng bắt đầu từ tháng 1 này chắc chắn phải tính toán lại sao cho ổn thỏa nhiều mặt. Chớ chạy xe máy từ Tuy Hòa về nhà mà gặp mấy anh cảnh sát giao thông thổi rét rét, đo độ cồn rồi phạt theo Nghị định 100 là hết tiền nuôi con ăn học và cả nhà đói luôn!
Việc xử phạt các trường hợp vi phạm quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe” được các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật mấy ngày nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của đông đảo người dân cả nước. Cho nên đã đến lúc những ai còn ham hố uống rượu bia phải nhanh chóng điều chỉnh lại “văn hóa nhậu nhẹt” của mình cho phù hợp với luật pháp để không phải khốn khổ vì nộp tiền phạt và mất quyền sử dụng phương tiện đi lại để mưu sinh, học tập…
Nghĩa là, khi đã có hơi men thoang thoảng hoặc phừng phừng thì dứt khoát không tự lái xe về nhà mà phải đi taxi, xe ôm hoặc nhờ người chở để đảm bảo an toàn tính mạng của mình và người khác. Đồng thời không phải bỗng dưng mất một số tiền lớn (đôi khi là cả một gia tài đối với các hộ nghèo, khó khăn) để nộp phạt và bị tước quyền sử dụng phương tiện phục vụ cho làm ăn, công tác. Nghĩa là, các thành viên trong nhà hãy thường xuyên nhắc nhau, cùng tăng cường theo dõi, giám sát để người thân của mình luôn chấp hành nghiêm túc quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe” và các điều khoản khác của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Làm thật tốt hai việc này mới góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững được.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa mới được Chính phủ ban hành vào ngày 30/12/2019 và có hiệu lực từ 1/1/2020. Vì vậy, không phải công dân nào cũng biết và nắm rõ các điều, khoản của nghị định. Do đó, các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đưa nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống để giúp cho mọi người dân nâng cao nhận thức và thực hiện thật tốt các quy định mới. Qua đó góp phần thiết thực kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt.
SÔNG BA HẠ