Ngày 26/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2161/QĐ-TTg về việc lấy tháng 12 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về dân số. Năm nay, Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam đã được các địa phương tích cực hưởng ứng, tuyên truyền với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”.
Thời gian qua, công tác dân số (CTDS) luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.
Chất lượng dân số tăng
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, chất lượng dân số của Việt Nam đã được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện… Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Hiện trên toàn tỉnh, tỉ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại hơn 80%, tỉ lệ sinh con thứ ba ở mức 8,8%. Bên cạnh đó, một số hoạt động về CTDS-KHHGĐ được triển khai rộng khắp nhằm đảm bảo cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đặc biệt, các sở, ngành liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng và toàn hệ thống làm CTDS-KHHGĐ các cấp đã chuyển tải nội dung về CTDS trong tình hình mới theo Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về CTDS trong tình hình mới đến với bà con nhân dân trên toàn tỉnh, bước đầu nhận được sự quan tâm, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Chị Hồ Ngọc Hạnh (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi đã sinh 1 đứa con, năm nay cháu 5 tuổi rồi. Mấy tháng nay, cán bộ dân số thường đến tuyên truyền nên sinh đủ 2 con theo tinh thần chung để đảm bảo chất lượng và cơ cấu dân số trong tình hình mới. Tôi đang suy nghĩ. Tôi thấy hiện nay, các dịch vụ y tế chăm sóc bà mẹ, trẻ em rất tốt, cán bộ rất nhiệt tình”. Còn anh Đỗ Chí Đức (huyện Sơn Hòa) nói: “Chúng tôi làm nông là chính nên cũng muốn sinh con nhiều cho có người làm. Hiện tại, vợ chồng tôi có 2 con, muốn sinh nữa, nhưng cán bộ dân số vận động nên dừng lại. Chúng tôi đang cân nhắc. Bây giờ không phải “trời sinh voi sinh cỏ” như xưa nữa, mà sinh con ra phải được chăm sóc tốt nhất”.
Đổi mới căn bản CTDS
Tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số vào ngày 10/12 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song CTDS đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng; lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ. Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Trong khi đó, tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp; nguồn lực đầu tư cho CTDS chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Để giải quyết những thách thức trên, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành Nghị quyết 21 về CTDS trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; CTDS là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết, vừa lâu dài”. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 mục tiêu chính trên tinh thần quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 về CTDS trong tình hình mới.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững cho biết: Nghị quyết 21 cho thấy sự thay đổi căn bản về CTDS. Theo đó, CTDS không chỉ đơn giản như ngày xưa là KHHGĐ, cũng không đơn giản là vấn đề sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hay vấn đề sức khỏe của mọi người dân mà vấn đề dân số và phát triển hiện nay bao trùm hơn rất nhiều. Điểm mới đáng chú ý về CTDS trong tình hình mới chính là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế, xã hội. Thứ hai, nghị quyết đặt ra vấn đề duy trì vững chắc mức sinh thay thế vì nó có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. “Chất lượng dân số không chỉ nằm ở chăm sóc sức khỏe y tế, thể chất, mà người dân còn phải khỏe mạnh về tinh thần ở cả người cao tuổi lẫn người trẻ, trẻ em. Làm sao mỗi đứa trẻ được sinh ra, các bậc cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái mình tốt nhất, bình đẳng về cơ hội”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững nhấn mạnh.
KIM CHI