Chiều 8/11, phát biểu trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng sự kiện 39 thi thể người Việt Nam chết cứng trong container được phát hiện tại Khu công nghiệp Waterglade (hạt Essex, Anh) vào ngày 23/10 vẫn khiến dư luận trong nước và quốc tế chưa hết bàng hoàng, đau xót. Theo công bố chính thức của cơ quan chức năng mới đây, trong số này, Nghệ An là tỉnh có nhiều nạn nhân nhất với 21 người, Hà Tĩnh 10 người, Hải Phòng 3 người, Quảng Bình 3 người, Thừa Thiên - Huế và Hải Dương mỗi tỉnh 1 người. Trong đó có 8 nữ, 31 nam và 2 người cùng 15 tuổi!
Có thể khẳng định rằng, những người không may này sang Anh không tuân thủ con đường xuất khẩu lao động quy định mà đi theo đường dây bất hợp pháp. Họ là nạn nhân của bọn tội phạm tổ chức môi giới đưa người trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Để lôi kéo, hấp dẫn người đi, bọn tội phạm đã vẽ ra viễn cảnh làm việc dễ dàng, nhàn hạ với thu nhập rất cao ở nước ngoài.
Trong thực tế cũng có trường hợp như vậy nhưng hầu hết là lao động kiếm tiền trong tình trạng chui nhủi, khổ nhục, bị chủ sử dụng lao động hạn chế và tước đoạt hầu hết các quyền sống tối thiểu, bị xâm hại và thậm chí nhiều người vi phạm pháp luật nước sở tại, có người mất mạng. Nhưng theo thời gian, sự việc bất bình thường này đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” mà không có ai hay tổ chức nào chính thức lên tiếng, rung chuông cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn. Vì thế, với mong muốn mau chóng “đổi đời”, nhiều gia đình đã không ngần ngại vay hàng tỉ đồng để cho con em mình “nhắm mắt đưa chân” liều qua nơi xứ lạ.
Từ năm 1980 đến nay, chủ trương đưa người đi làm việc ở nước ngoài (đầu tiên là ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu) của Nhà nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy còn những hạn chế, bất cập, nhưng nhìn chung, chủ trương xuất khẩu lao động này đã góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng thêm nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Nhiều vùng nông thôn, phố thị trong nước đã thay da đổi thịt nhờ con dân tham gia xuất khẩu lao động theo kênh hợp pháp (người đi lao động phải ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động; phải đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động tại Việt Nam; phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp) và cả… đi chui như 39 nạn nhân nói trên. Và hậu quả của nó là cái kết đau lòng như chúng ta đã biết.
Cần phải làm gì “để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương mình” như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu?
Để hiện thực hóa mong muốn đi làm việc ở nước ngoài chính đáng, đầu tiên chính quyền các địa phương, cơ sở phải đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân về sự nguy hiểm khôn lường của việc đi lao động nước ngoài trái phép; tiếp tục tuyên truyền cụ thể, sâu rộng ý nghĩa và hiệu quả chủ trương xuất khẩu lao động của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức trách tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu sâu sát, chặt chẽ để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động của bọn tội phạm nói trên ngay từ khu dân cư, từ nhóm và hộ gia đình. Các gia đình hãy nghĩ suy chín chắn và chấm dứt ngay mong muốn “làm giàu, phất lên nhanh chóng” bằng cách đưa con em đi xuất khẩu lao động theo đường dây của bọn tội phạm để khỏi nhận lấy đau thương, bi lụy.
Việc tạo điều kiện để “mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương mình” như mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải là đơn giản. Nhưng nếu mỗi cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trong cả nước đều tận tâm, tận tụy, hết sức hết lòng vì sự no ấm, phồn thịnh của nhân dân mà quyết tâm thực hiện thì sẽ thành công. Và quan trọng nhất là không để cho dân tự phát tha phương cầu thực để rồi nhận lãnh sự thật phũ phàng, đau xót như sự kiện Essex.
PHẠM XUÂN THANH