Thứ Bảy, 11/01/2025 09:58 SA
Về Phước Tân nghe kể chuyện động vật hoang dã
Thứ Ba, 26/03/2019 10:22 SA

Dốc Bầu Bèo, xã Phước Tân xưa kia nổi tiếng cọp, beo thường qua lại - Ảnh: LÊ KHA

Trung tuần tháng 3, tôi về xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), quê hương của Săm Brăm, người đã phát động và tổ chức cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, để nghe các già làng kể chuyện thú rừng, động vật, sông suối xưa kia ở miền núi này.

 

Già làng Ma Y năm nay tuổi xấp xỉ 90 mùa lúa rẫy, ông tiếp tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Chăm, xây trên triền đồi hình bát úp. Bên bếp lửa khách ở gian giữa nhà sàn, ông hớp một ngụm trà thơm rồi kể cho tôi nghe về chuyện thú rừng ở xã Phước Tân: “Miền đất này có núi bao quanh 4 mặt, tiêu biểu là núi Chư Pi, Chư Trol, Chư Prong, Chư Rá…

 

Trên đỉnh núi cao suốt bốn mùa hầu như ngày nào cũng có sương mù bao phủ. Ở đây có các con sông Ea Ch’Lúi, Ea M’Lah, Ea Prin, Pơ Rah Ceh (suối Ché), Ea Ch’Bod (suối Lách)… Rừng ở đây khá rộng, đi dọc, đi ngang tới 8 rựa (khoảng 8km), có nơi dày, nơi thưa, nhiều đá và khe suối nước mạch nguồn quanh năm. Những khu rừng già có gộp đá, hang đá, nên xưa kia có nhiều cọp, beo, gấu, heo rừng, chó sói và có cả voi trú ẩn nữa”.

 

Tôi cũng được nghe các cụ cao niên kể, trước đây có nhiều cọp ở dốc Bầu Bèo. Nơi đây có địa danh Tró Lơ Kó (có nghĩa là đầu người), tương truyền khi qua đây nhiều người bị cọp vồ ăn thịt, khi tìm thấy chỉ còn lại cái đầu…

 

“Vì vậy, khi qua địa điểm này, người ta thường tập trung đông người, nhưng họ quan niệm không được đếm số lượng người đi trong đoàn và khi đi không được đột ngột vượt tới trước, hoặc lùi ra sau, vì như thế sẽ bị cọp bắt ăn thịt”, ông Ma Hòa ở buôn Đá Bàn cho biết.

 

Ở Ea Cơ Điết, buôn Ma Giấy vào những năm 50 thế kỷ trước, lúc chạng vạng, cọp thường vào làng bắt trâu bò, bà con không dám cho trẻ nhỏ xuống nhà sàn chơi, từ nhà này sang nhà kia phải cầm cây đuốc mới dám đi. Khi nghe cọp, beo vào buôn làng thì bà con dùng thùng thiếc, mõ… gõ và la hét để xua đuổi cọp đi xa xóm làng. Ông Ma Màng ở buôn Ma Y cho biết: “Thập niên 60, ở đây có con cọp hung dữ, với đặc điểm có một khoang trắng ở ngực, sau nhờ ông Ma Khơn bắn chết bằng mũi tên tẩm độc, từ đó nạn cọp mới giảm dần”.

 

Xã Phước Tân có nhiều trảng cỏ và gò đồi, tiêu biểu như trảng tranh Bốn Tiếng (có nghĩa là đi bộ hết khu vực này mất 4 tiếng đồng hồ). Trảng tranh này có rất nhiều hươu, nai, heo rừng… Đến tháng 2, tháng 3 âm lịch, rất nhiều người lên đây nhặt gạc nai, hươu rụng về nấu cao.

 

Ông Lương Văn Lách, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Tân kể: “Trên sông Ch’Lúi xưa có các loại cá sấu, rái cá, cá chình, đặc biệt là con hà mã, dân địa phương gọi là trâu nước ở vực Tròn, Tân Vieh, Tân Mó Rác, Tân Toác… Khi đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học vào khoảng giữa những năm 60 thế kỷ trước, động vật sinh sống trên sông Ch’Lúi và các suối sâu chết hàng loạt, và từ đó đến nay, nhiều loài đã mất hẳn”.

 

LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek