Những năm qua, việc thu phí công đoàn (PCĐ) ở khu vực sản xuất kinh doanh (SXKD) gặp nhiều khó khăn, kết quả thu thấp, còn nhiều thất thoát. Mặc dù các cấp công đoàn đã có nhiều giải pháp khắc phục, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, đổi mới công tác tài chính công đoàn là một chủ trương mới của Tổng Liên đoàn, mà cụ thể là thu PCĐ qua phần mềm VietinBank.
Theo LĐLĐ tỉnh, PCĐ là nguồn tài chính nhằm đảm bảo hoạt động công đoàn và là kinh phí để tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ) làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Để khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp chây ỳ, không đóng PCĐ, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng VietinBank Phú Yên xây dựng kế hoạch liên tịch, tổ chức tập huấn thu PCĐ khu vực SXKD qua tài khoản của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho công đoàn các cấp. Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp thực hiện nộp PCĐ về một tài khoản duy nhất của Tổng Liên đoàn, tài khoản này là tài khoản trung gian trong việc nhận và phân phối kinh phí công đoàn.
Cụ thể, các cấp công đoàn từ Tổng Liên đoàn (cấp1), LĐLĐ tỉnh và tương đương (cấp 2), LĐLĐ huyện và tương đương (cấp 3) và CĐCS (cấp 4) đều được VietinBank gắn số tài khoản. Tuy nhiên, việc thực hiện thu theo hình thức này bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh đã có 12/13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trừ Công đoàn Viên chức tỉnh không có đơn vị SXKD), 51/107 CĐCS và công đoàn cấp trên trực tiếp mở tài khoản tại VietinBank Phú Yên. Đến nay, chỉ có 27 đơn vị thực hiện nộp PCĐ qua tài khoản, với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng.
Chia sẻ về những bất cập, khó khăn khi thu PCĐ trong doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Tú, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh, cho hay: “Cái khó hiện nay là dù đã có chế tài xử phạt (theo Nghị định 95/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động và Nghị định 88/CP sửa đổi, bổ sung, quy định về mức phạt đối với doanh nghiệp không đóng hoặc chậm đóng PCĐ), nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định cụ thể cơ quan hay tổ chức nào được quyền xử phạt và số tiền xử phạt sẽ do ai quản lý...”.
Còn theo ông Đào Văn Rê, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Hòa, đối với đơn vị cấp 3 là đơn vị bắt buộc mở tài khoản tại Ngân hàng VietinBank. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố nhưng mới chỉ có 4 địa phương có phòng giao dịch của VietinBank, đây cũng là một hạn chế nhất định trong việc phối hợp thực hiện thu PCĐ qua VietinBank…”.
Đứng trước khó khăn về thu PCĐ khu vực SXKD qua tài khoản VietinBank, LĐLĐ tỉnh đã xác định các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc thu PCĐ trong thời gian tới. Đó là, tích cực tuyên truyền tính ưu việt, tất yếu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài chính công đoàn; chỉ đạo, giám sát trong việc theo dõi và quản lý tình hình tại công đoàn cấp dưới.
Đồng thời công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả việc thu, sử dụng nguồn thu tài chính công đoàn; chủ động phối hợp với các chi nhánh của VietinBank theo phân cấp quản lý để triển khai tập huấn phương thức thu PCĐ và hướng dẫn CĐCS mở tài khoản để đóng kinh phí tập trung qua tài khoản VietinBank của Tổng Liên đoàn...
“Việc thu PCĐ qua Vietinbank là một chủ trương mới của Tổng Liên đoàn, yêu cầu các cấp công đoàn nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc thực hiện phương thức này cũng chính là để thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đó là luôn hướng hoạt động về cơ sở, trong đó thể hiện rõ nét nhất là qua ưu tiên tài chính công đoàn cho các CĐCS để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phạm Thị Ngọc Tú nhấn mạnh.
THÁI NGỌC