Đối mặt với nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả những bệnh vô cùng nguy hiểm; phơi nhiễm phóng xạ; vừa khám bệnh vừa… phòng thủ khi bệnh nhân, người nhà say xỉn, kích động… có quá nhiều thử thách, áp lực ở những công việc hết sức đặc thù. Yêu nghề, rất nhiều thầy thuốc vẫn tận tụy làm việc.
Những giọt mồ hôi và vô số nguy cơ
28 năm chăm sóc bệnh nhân, chị Dương Thị Kim Chi, Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) có nhiều kỷ niệm thấm mặn mồ hôi. Vất vả nhất có lẽ là chăm sóc bệnh nhân uốn ván. Không chỉ bơm thuốc, truyền dịch, điều dưỡng còn hút đờm dãi, cho bệnh nhân ăn uống… Bệnh nhân uốn ván co cứng cơ toàn thân và có các cơn co giật; chỉ một tiếng động hay ánh sáng chiếu vào cũng làm họ co giật. Điều dưỡng phải theo sát bệnh nhân uốn ván từ 3 tuần đến 1 tháng; thời kỳ khởi phát bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.
Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), có 5 nhóm bệnh mà nhân viên y tế có nguy cơ mắc trong quá trình làm việc, do: các yếu tố vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn, kí sinh trùng, nấm); các yếu tố vật lý (các chất phóng xạ, bức xạ hồng ngoại, bức xạ tử ngoại, tiếng ồn…); bệnh do các yếu tố hóa học (thuốc, hóa chất tiệt trùng, hóa chất trong phòng xét nghiệm… Ngoài ra, nhân viên y tế cũng dễ mắc bệnh do khám chữa bệnh với cường độ cao, liên tục; làm những công việc đòi hỏi sự tập trung, áp lực và trách nhiệm cao… |
Với bệnh nhân AIDS, điều dưỡng vất vả theo kiểu khác. Biết mình nhiễm HIV và đã chuyển sang giai đoạn AIDS, một số bệnh nhân sống bất cần, không tuân thủ việc điều trị. Đang truyền dịch hay truyền máu, họ có thể rút kim ra bất cứ lúc nào, mặc kệ máu giây tứ tung.
Nguy hiểm nhất có lẽ là chăm sóc bệnh nhân dại. “Bệnh nhân AIDS nếu họ hung dữ hay nổi nóng thì mình bỏ đi, sau đó lựa lời mà nói, họ sẽ nghe, còn bệnh nhân dại khi lên cơn thì đâu còn biết gì nữa. Họ trở nên dữ tợn, vùng vẫy, khạc phun khắp phòng; nguy cơ lây bệnh rất cao. Chúng tôi hạn chế nguy cơ bằng áo choàng, mang kính”, điều dưỡng quê ở Phú Hòa cho biết.
Mới đây, trong lúc tỉnh táo, một bệnh nhân dại sinh năm 1986 nói với điều dưỡng Trương Tử Hoàng: “Coi kỹ giùm con đi! Con sẽ chết sao? Vợ con khổ lắm, đi làm xa lắm; con còn hai đứa nhỏ”. “Tôi nghe mà rưng rưng, đành phải động viên: Tiên lượng là như vậy nhưng con hãy thật bình tĩnh và cố gắng. Không uống nước được thì con ráng nhấp môi một chút. Con thương hai đứa nhỏ thì đừng có ôm hôn tụi nhỏ, bệnh có thể lây sang tụi nhỏ qua nước bọt của con, tội tụi nhỏ”, anh Hoàng kể lại.
Niềm vui của điều dưỡng Kim Chi và các đồng nghiệp là sau một thời gian được điều trị, chăm sóc, những bệnh nhân có nguy cơ tử vong đã bình phục. “Nhiều ca uốn ván thập tử nhất sinh, ngỡ không qua khỏi nhưng rồi họ đã vượt qua, mình rất mừng”, chị Kim Chi thổ lộ. Đó chính là động lực để chị và các đồng nghiệp bền bỉ với nghề.
Mỗi cơ sở y tế có một đặc thù riêng song áp lực và nguy cơ bị lây nhiễm bệnh của các thầy thuốc thì khá giống nhau. Theo bác sĩ Tô Văn Khoa (Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên), áp lực cao là ở Khoa Khám bệnh - nơi tiếp nhận rất nhiều ca bệnh với mức độ khác nhau, trong đó có cả bệnh truyền nhiễm. Còn Khoa Chăm sóc thai phụ và đẻ thì tiếp nhận các ca chuyển dạ đẻ, trong đó có những ca bị băng huyết, choáng…, khi xử trí chưa sàng lọc hết các nguy cơ phơi nhiễm bệnh. Có trường hợp cấp cứu xong rồi thì mới biết sản phụ nhiễm HIV. Những năm trước đã có nhân viên y tế ở bệnh viện này phải điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV.
Áp lực từ... người nhà bệnh nhân
Các bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vẫn còn nhớ ca nhồi máu cơ tim cấp, nhập viện vào đêm 6/4/2018. Theo bác sĩ Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân bị rối loạn nhịp, rung thất, sau đó ngưng tim ngưng thở. Các thầy thuốc lập tức sốc điện khử rung thất. Sau 3 lần sốc điện, tim của bệnh nhân 64 tuổi này đập trở lại. Điều đáng nói là khi tính mạng của bệnh nhân như “ngàn cân treo trên sợi tóc” thì người nhà yêu cầu… chuyển viện. “Họ khăng khăng đòi chuyển viện. Lúc đó bệnh nhân không có huyết áp, tay chân lạnh ngắt, nếu chuyển viện chắc chắn sẽ chết. Không chuyển viện thì họ đe dọa hành hung. Tình thế rất khó khăn. Vì bệnh nhân, khoa kiên nhẫn giải thích và mời lãnh đạo bệnh viện xuống giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu”, bác sĩ Lê Chí Tĩnh (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) kể lại. Trong đêm đó, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, sáng hôm sau được chụp và can thiệp mạch vành, tái thông dòng máu nuôi cơ tim.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các bác sĩ đã gặp một “ca đặc biệt”. “Người nhà bệnh nhân yêu cầu bác sĩ phải viết giấy cam đoan rằng sẽ… khâu vết thương an toàn cho người thân của họ” (?!), bác sĩ Huỳnh Tuy Viễn, người đã 24 năm làm việc trong ngành Y, trong đó có 4 năm làm cấp cứu, kể chuyện thật như đùa.
Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm Dương Thị Kim Chi chăm sóc một bệnh nhân bị viêm màng não do ký sinh trùng - Ảnh: YÊN LAN |
Bác sĩ Viễn cho biết, Khoa Cấp cứu thường xuyên tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân. Có khi 6-7 bệnh nhân nhập viện cùng một lúc, trong đó có ca nguy kịch. “Khi có một ca nặng nhập viện, lực lượng được huy động, phải cấp cứu bệnh nhân trước khi chuyển đến khoa khác nên áp lực của anh em rất lớn, rất nặng nề”, bác sĩ Viễn chia sẻ. Vậy mà nhiều khi, có “ma men”, người nhà bệnh nhân thốt ra những lời khiếm nhã, có người còn đe dọa, hành hung nhân viên y tế, đập phá dụng cụ… “Có khi bác sĩ vừa khám chữa bệnh vừa phải đề phòng xem họ có đánh mình hay không. Có khi đang khám cho ca này thì một ca rất nặng được đưa vào. Mình phải chạy sang khám cho ca nặng thì bệnh nhân bên này phản ứng ngay. Họ không biết rằng ca nặng kia cần cấp cứu”, bác sĩ Viễn kể.
Đầu năm 2018, Khoa Cấp cứu được thành lập, khang trang hơn Phòng Cấp cứu lưu thuộc Khoa Khám bệnh trước kia. Vệ sĩ được tăng cường cộng với hai cánh cửa vững vàng đã giảm phần nào áp lực không đáng có cho những người thầy thuốc làm việc tại nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ
Nếu các đồng nghiệp làm việc tại Khoa Truyền nhiễm, Lao… đối mặt với nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm thì những người vận hành thiết bị X-quang, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, làm việc trong phòng có thiết bị X-quang chụp can thiệp, chụp mạch, tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở (thuốc phóng xạ)… đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Bác sĩ Phạm Văn Hường, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, người có 16 năm “gắn bó” với các thiết bị X-quang, CT Scanner…, nói: “Làm việc trong môi trường độc hại, bác sĩ cận lâm sàng đứng phía sau bác sĩ điều trị. Niềm vui của anh em chúng tôi là chẩn đoán đúng và bác sĩ điều trị đúng, bệnh nhân khỏi bệnh”. Bác sĩ Hường bảo rằng phải tuân thủ quy trình. Những người vận hành thiết bị X-quang, CT Scanner, làm việc trong phòng thông tim có DSA (thiết bị chụp mạch máu số hóa xóa nền sử dụng tia X) đều mang liều kế (dùng để giám sát liều bức xạ) và được kiểm tra định kỳ.
Làm việc trong môi trường có thiết bị bức xạ từ năm 2003, kỹ thuật viên Nguyễn Minh Tấn (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh) dường như không còn lo lắng về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Anh hào hứng kể về những ngày đầu Bệnh viện Thống Nhất triển khai tim mạch can thiệp trong muôn vàn khó khăn do thiếu thiết bị, dụng cụ; ê kíp can thiệp làm việc với cường độ cao: “Hồi đó chưa có DSA, bệnh viện chúng tôi sử dụng C-arm để chụp mạch vành. Sử dụng liên tục, nó nóng đến nỗi chúng tôi mua cây đá lạnh rồi ướp lạnh gạc và vải phủ trong phòng thủ thuật để giải nhiệt đầu đèn. Hồi đó cũng chưa có áo chì mà chỉ có yếm chì, giống như cái tạp dề của các bà nội trợ. Để ngăn tia X khi làm việc liên tục trong môi trường độc hại, một lúc 2 cái yếm chì, phía trước và phía sau, tính ra phải mang trên người khoảng 8kg trong suốt thời gian can thiệp. Khi đó bệnh viện vừa triển khai kỹ thuật mới, cứu được nhiều bệnh nhân, mọi người rất hạnh phúc nên lao vào làm việc, không băn khoăn gì về những nguy cơ từ tia X. Đến năm 2008, bệnh viện chúng tôi mới có 3 bộ áo chì đầu tiên, do bên hãng cung cấp thiết bị y tế tặng”.
Thường xuyên làm việc bên DSA, trở thành thủ thuật viên chính hơn 3 năm nay, bác sĩ Phan Văn Trực, Phó Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh nói rằng nghề chọn mình, theo nghề thì chấp nhận và không “lăn tăn” gì về những nguy cơ từ tia X. “Niềm vui là làm được những gì có lợi cho bệnh nhân, tốt cho bệnh nhân. Nghề đã chọn mình thì mình vui vẻ sống chung”, anh nói và mỉm cười.
YÊN LAN