1 Chiều giáp Tết, mấy người bạn đang nhậu ngon lành mồi cá ồ nướng, vừa ăn vừa trầm trồ khen ngon thì có người bạn lên tiếng, dặn: Cá ồ ngon nhưng ăn ít thôi. Coi vậy chớ cá ồ nóng nên phải kiêng cữ, nhất là phụ nữ mang bầu. Má tôi đang ngồi gần đó, cãi lại: Tao ăn cá ồ đẻ ra bầy con chớ có sao đâu?
Má giải thích, không phải cá ồ nóng mà thịt cá ồ chứa nhiều đạm, có người ăn nhiều, sáng ra ôm bụng chạy nên đổ thừa cá ồ nóng. Bí quyết để ăn cá ồ mà “êm” cái bụng của má là, khi ăn thịt xong thì ráng nhai xương, đặc biệt là đuôi cá, sau đó chiếp nuốt lấy nước, nhả xác (má dặn kỹ vì xương cá ồ cứng nuốt vào sợ mắc cổ).
Trong các loại thì cá ồ thuộc loại rẻ rờ, ngày trước má đi chợ thường lựa mua. Sinh ra bầy con, má ăn cá ồ từ lúc có mang đến khi chuyển dạ. Hồi con còn nhỏ, sáng, mỗi lần dọn món cá ồ cuốn bánh tráng, đứa nhỏ láu ăn sợ anh chị ăn hết nên chưa kịp nuốt miếng này cắn thêm miếng khác “ngốn” tràm miệng, còn đứa lớn biết nhường nhịn cho em ăn nửa chừng đứng dậy uống nước. (Má nói hồi còn nghèo khổ không đủ tiền mua cá ồ cho con ăn đủ bữa, nghĩ lại thương con đứt ruột).
Mấy năm sau, má thường kho cá ồ với dưa chua thêm ít thịt mỡ để dành ăn cơm. Tôi nhớ có lần má kho cá ồ với dưa chua, lúc đầu kho riu lửa, hương vị ba món ngào lại trong nồi. Má chụm thêm lửa, hơi nóng đẩy mùi thơm “bung nắp vung” bay ra, hít mùi cá ồ kho, tôi đói bụng thèm cơm. Tôi lại gần chờ ăn, má nếm thử nồi cá kho, phỉnh: “Thôi chớ nồi cá kho này đổ chớ ai ăn”. Tôi tưởng má đổ thiệt nhìn má ngẩn ngơ. Má cười!
2 Trước, nhà tôi ở miền biển, sau đó dời về miền núi sinh sống. Hồi đó, đường đi về miền núi còn khó khăn, cá ồ cập bến ngày trước đến ngày sau mới chở đến được vùng miền núi nên người dân khó được ăn cá ồ tươi, mà chỉ ăn cá ồ trụng (cá nứt). Cá được trụng qua nồi nước sôi rồi đem hấp. Trước khi trụng khứa dọc hai bên hong cá một lát dao mỏng, khi đem hấp “củi lửa” làm chỗ khứa nứt to thêm ra, phơi màu trắng dài “nhem thèm”…
Vùng miền núi mùa cấy dặm lúa, đi vần công nhổ cỏ, chủ ruộng cho ăn nửa buổi món cá ồ. Nửa buổi sáng, người nhà bỏ trong cái giỏ đi chợ mấy con cá ồ trụng với chồng bánh tráng… xách ra bày trên bờ ruộng, mấy người cấy dặm, nhổ cỏ nghỉ tay ngồi trên bờ ruộng ăn. Không chỉ rẻ tiền, ăn ngon mà khi ăn vào bụng, bánh tráng “nhúng” vào dạ dày tiếp tục “nở ra”… no qua trưa. Thường má đi cấy dặm lúa, nhổ cỏ, ăn nửa buổi sáng món cá ồ “gánh” luôn bữa cơm trưa gia đình…
3 Sau lần nhậu có thằng bạn “không biết mà bày đặt” nói: cá ồ nóng, bị má tôi chỉnh, tháng sau thằng N mập từ Sài Gòn về Phú Yên rủ tôi với thằng T “giao thừa” ra bờ kè nhậu với món cá ồ nướng. N mập chụp hình đưa lên trên Facebook khoe món cá ồ kèm theo dòng “khêu gợi”, gắn thẻ với anh Năm (người con Phú Yên đang ở Khánh Hòa). Trí thông minh nhân tạo Facebook thông báo, anh Năm mở Facebook, nhìn hình ảnh, “thèm chịu không nổi”, còm men (comment): Mấy thằng “ác ôn” cố tình gây... thương nhớ!
Hồi còn ở Phú Yên, anh Năm ăn cá ồ mòn răng. Anh nói, cá ồ không ăn thì thôi khi ăn thì ăn cho đã, chớ ăn nửa chừng “tức rực” cái miệng. Bây giờ chỗ anh ở khó tìm ra món cá ồ nướng.
Cá ồ nướng, trước khi nướng ướp hành tiêu, ớt tỏi rồi nhét vô bụng củ hành lá (hành tươi có củ có lá), nướng trên lửa than thơm lừng. Khi nướng quấn giấy bạc để giữ nước trong con cá cho ngọt.
Cách ăn cá ồ nướng mà để ăn một lần thèm đến già, bánh tráng bẻ làm tư nhúng nước, lấy từng miếng trải ra lòng bàn tay rồi gắp rau, giá, dừa nạo, cà dĩa, bánh tráng nướng rải đều rồi dẽ thịt cá ồ nướng sắp chồng lên cuốn lại. Khi chấm mắm ruột ăn đầy đủ hương thơm, nuốt đến đâu ngon đến đó. Khi ăn gần hết con cá, còn lại phần “lụn dụn” thì cũng gắp sắp lên miếng bánh tráng “cân đầu cân đuôi” để khi cắn ăn “miếng nào ra miếng đó”.
Ăn miếng cá ồ nướng, cụng vô ly rượu, ăn xong miếng nào đều khen miếng nấy: Ngon quá… cá ồ!
MẠNH HOÀI NAM