Từ khi được thành lập đến nay, mô hình góp vốn xoay vòng của Hội CCB xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) được hội viên CCB trong xã tích cực tham gia. Hiện tất cả hội viên (127 người) trong Hội đều tham gia mô hình này; số vốn tăng từ 80 triệu đồng ban đầu lên 116,6 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội CCB xã Ea Ly Lê Trung Dũng - người khởi xướng thành lập mô hình này, nguồn vốn được xây dựng từ sự tự nguyện đóng góp của toàn thể hội viên CCB trong xã với mức 100.000 đồng/hội viên/năm, nhằm mục đích giúp đỡ hội viên CCB khó khăn. Ea Ly có 6 thôn, mỗi thôn thành lập một tổ trên dưới 20 người. Trong đó, tổ xoay vòng vốn thấp nhất là 5,6 triệu đồng, tổ cao nhất 35 triệu đồng. Trong năm 2018, từ mô hình này, Hội đã giúp 7 lượt hội viên khó khăn vay xoay vòng trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Mỗi hội viên được vay không quá một lần/năm. Nếu hội viên còn đặc biệt khó khăn, thì có thể xin gia hạn thêm 6 tháng hoặc 1 năm (nhưng không quá một lần gia hạn). Hết thời gian này, hội viên phải nộp lại số tiền gốc và lãi 1%/năm. Tiền lãi được Hội dùng để thăm hỏi hội viên ốm đau, chi phí sổ sách…
“Thấy anh em CCB cần nguồn vốn để phát triển kinh tế, tôi nghĩ chỉ có cách hội viên đoàn kết góp vốn giúp nhau. Giờ thấy mọi người tham gia ngày càng đông, nhiều người được giúp vốn để phát triển kinh tế, có điều kiện để cải thiện cuộc sống, tôi rất phấn khởi...”, ông Lê Trung Dũng chia sẻ.
CCB Nguyễn Văn Tươi ở thôn Tân Yên là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Khi trở về quê hương, sức khỏe yếu, khả năng lao động hạn chế, gia đình không có vốn để làm ăn nên ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cảm thông với hoàn cảnh của ông Tươi, Chi hội CCB thôn Tân Yên cho ông vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng rau, nuôi gà. Đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, chỉ sau vài đợt nuôi, ông Tươi đã tích lũy cho mình một số vốn để đầu tư trồng măng tây kết hợp trồng rau sạch, quy hoạch khu vườn theo hướng “vườn kiểu mẫu”. Nay gia đình ông đã thoát nghèo, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Hay như gia đình CCB Nông Văn Vít, một hộ người dân tộc Tày từ miền Bắc di cư vào, có hoàn cảnh rất khó khăn, con đông. Cũng nhờ nguồn vốn quỹ xoay vòng của Hội CCB xã cho vay để phát triển kinh tế, đến nay gia đình ông Vít đã xây được nhà cửa khang trang, trồng được 5ha mía, 2ha sắn kết hợp nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt nhất trong số các hộ được vay nguồn quỹ xoay vòng của Hội CCB xã Ea Ly phải kể đến CCB Đinh Đức Thanh ở thôn Tân Lập. Năm 2013, gia đình ông Thanh chuyển từ Đắk Lắk đến Ea Ly lập nghiệp. Nhà đông con, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn… Từ khi vào Hội, được Hội hỗ trợ cho vay nguồn quỹ xoay vòng để chăn nuôi bò, gà, trồng cao su, cà phê, đến nay cuộc sống gia đình ông Thanh đã được nâng lên từng ngày, kinh tế gia đình cũng khởi sắc hơn.
Ông chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo, sống trong ngôi nhà tạm bợ. Anh em trong Hội rất thương, nhường cho tôi được vay vốn xoay vòng trước để nuôi bò sinh sản, trồng cao su, cà phê. Cùng với đó, năm trước tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền xóa nhà tạm nên nay đã tạm ổn về kinh tế, thoát khỏi khó khăn. Việc góp vốn giúp nhau là mô hình hay, tạo điều kiện cho hội viên làm ăn tăng thêm thu nhập. Thoát nghèo rồi, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm chỉ hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống”.
Ngoài những hội viên trên, nhiều hội viên CCB khác ở xã Ea Ly cũng đã tiếp cận nguồn vốn vay xoay vòng để chăn nuôi, trồng trọt; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Các hội viên CCB ngày càng có ý thức cao trong việc sử dụng nguồn vốn, tạo cho mình công ăn việc làm ổn định.
“Mô hình góp vốn xoay vòng không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn giúp tăng thêm sự gắn bó, tinh thần đoàn kết, chia sẻ giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Đó cũng chính là sức mạnh thu hút, tập hợp cán bộ, hội viên CCB tích cực tham gia các phong trào, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh”, ông Lê Trung Dũng khẳng định.
Còn theo Chủ tịch Hội CCB huyện Sông Hinh Phạm Tây, việc xây dựng mô hình góp vốn xoay vòng của Hội CCB xã Ea Ly không chỉ giúp hội viên cải thiện thu nhập mà còn hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi. Dù số tiền góp vốn vẫn còn khiêm tốn nhưng đã giải quyết khó khăn trước mắt của gia đình các hội viên, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho hoạt động của Hội thêm phong phú, đa dạng. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu được Hội CCB huyện chọn để nhân rộng trong toàn huyện.
ĐẶNG SỸ