Thứ Sáu, 17/01/2025 06:41 SA
Vui xuân, đón Tết dọc quốc lộ 19C
Thứ Năm, 07/02/2019 11:00 SA

Xuân về trên vùng cao Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: LÊ MINH

Quốc lộ 19C đi qua 15 xã thuộc 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Điểm đầu tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nối vào ĐT638, thuộc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) nối với đường NT715B thuộc huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Xuân Kỷ Hợi 2019, ở những vùng nông thôn dọc theo quốc lộ 19C, người dân chuẩn bị đón Tết đầm ấm, sum vầy.

 

“Đề ba” từ thôn Lãnh Vân (xã Xuân Lãnh) xuôi xuống là đến khu dân cư mới thôn Long Nguyên, xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), rộng 1,9ha, nằm cạnh quốc lộ 19C. Khu này có 17 ngôi nhà, trong đó có 14 hộ dân trước đây ở sâu trong hóc núi dời ra và 3 hộ ở thôn Long Ba chuyển đến.

 

Chị Trịnh Thị Thu, một người dân ở đây phấn khởi nói: “Gia đình tôi ra đây ở gần 10 năm rồi. Năm nào cũng vậy, 29 Tết, tôi làm mâm cơm tất niên có đầy đủ thịt cá cúng ông bà. Trước xóm nhà là quốc lộ 19C, người đi qua lại đông vui. Còn 40 năm trước, ăn Tết trong hóc núi, không thấy bóng dáng người lạ”.

 

Từ đây quốc lộ 19C, cặp kè với tuyến đường sắt Bắc - Nam xuôi xuống thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Tại thị trấn La Hai, quốc lộ 19C vượt qua cầu đường bộ bắc qua sông Kỳ Lộ song song với cầu đường sắt. Qua khỏi cầu, quốc lộ 19C ghé ngang cánh đồng Long Hà, lúa vụ đông xuân vừa ra lá non xanh mượt. Ông Trần Văn Long ở khu phố Long Hà chia sẻ: “Năm nay, ruộng sạ sớm nên ăn Tết thong thả. Bước qua tháng Chạp, nhà thì lo tảo mộ, nhà thì lo tráng bánh tráng..., cảm giác không khí Tết đã tràn về”.

 

Đến đây, quốc lộ 19C tách rời đường sắt, rẽ phải đến đèo Bà Ong (đèo đầu tiên nằm trên quốc lộ 19C tính từ Xuân Lãnh vô) là hết địa phận thị trấn La Hai. Từ đèo Bà Ong đi qua tràn suối Ré, suối Bào Sào (xã Xuân Quang 3) rồi đến ngã ba Phước Hòa (xã Xuân Phước), hai bên có những con đường bê tông xi măng phiu “gối đầu” lên quốc lộ 19C rẽ vào các xóm nhà. Đây là những con đường nông thôn mới mà Nhà nước và nhân dân cùng làm.

 

Cuối thôn Suối Mây, xã Xuân Phước là hết địa bàn huyện Đồng Xuân, từ đây bắt dốc, vượt qua Vườn Táo, dốc Đất Đỏ, dốc Đứng, chinh phục độ cao gần 700m đến xã Sơn Định, một trong ba xã thuộc cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa), khí hậu mát mẻ, trong lành. Ở đây người dân có phong tục kiêng cữ ngày Tết không được to tiếng để không gian trong nhà ấm cúng. “Đây là nét văn hóa có từ hàng trăm năm nay. Vì vậy, mỗi lần đi thăm chúc Tết, chúng tôi không bao giờ uống quá chén, nói lớn... Có kiêng có lành, ba ngày Tết êm ấm là cả năm sung túc”, ông Bùi Văn Minh ở xã Sơn Định giải thích.

 

Xuôi cao nguyên Vân Hòa xuống đến chợ Trà Kê (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), người dân quanh vùng gọi đây là chợ “3 xã”, vì là nơi người dân các xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân giao thương mua bán. Chợ Trà Kê họp cả ngày, người dân 3 xã về đây mua sắm Tết đông vui. Chị La Lang Thị Liên ở xã Phước Tân đi chợ Trà Kê cho hay: Ngày thường, nhiều người mang “chợ di động” lên rao bán tận xã, hàng hóa gói gọn trong 2 giỏ cần xé nhưng đầy đủ các loại: thịt, cá, mắm... Còn gần Tết, bà con trên Phước Tân xuống tận nơi lựa mua sắm cho ưng ý.

 

Từ đây quốc lộ 19C chặt góc qua ngã ba Trà Kê đến ngã tư Cây Me (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) là điểm giao với quốc lộ 25. Chuẩn bị tất niên năm nay, nhà anh Sô Mai ở gần ngã tư Cây Me (chếch về hướng Trà Kê) cúng mâm cơm dâng lên gia tiên. Sắp trên bàn thờ là những món ăn dân dã, tất nhiên không thể thiếu đĩa thịt phay.

 

Qua cầu sông Ba rồi đến ngã ba Tuy An (huyện Sông Hinh) là nơi gặp nhau hai quốc lộ, đó là quốc lộ 19C và quốc lộ 29. Vượt lên con dốc nhỏ đến thị trấn Hai Riêng, vùng đất nhiều gò đồi, nơi hội tụ 20 dân tộc anh em sinh sống. Nắng xuân rực rỡ. Tết đến, xuân về, dòng người nườm nượp đi mua sắm chuẩn bị đón Tết.

 

Trên đường vào xã Ea Bia, nhiều người tất bật sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có phong tục “bắt” uống rượu Tết. Khách đến nhà thế nào cũng phải uống 1 chén rượu cần. Ông Ma Yên, người dân tộc Ê Đê cho hay: Nói “bắt” chứ thật ra là mời “buộc” phải uống. Tết khách đến nhà ít nhất uống được một chén, thậm chí một ngụm rượu để gia chủ vui. Tiếp đó mới là câu chuyện về một năm làm ăn khởi sắc...

 

Đến điểm cuối quốc lộ 19C tại xã Sông Hinh, chiều, anh Nông Văn Sâm hì hục gác cây cày (loại cày bò) sau mé hè. Theo anh Sâm, mấy ngày qua, anh tất bật cày đất gò đồi trồng sắn vừa thu hoạch, mới nghỉ tay sáng nay, gia đình chuẩn bị làm bánh mứt, mua sắm các vật dụng chuẩn bị đón Tết. Năm nào cũng vậy, người dân ở vùng miền núi xã Sông Hinh “mười nhà như chục” nhà nào cũng gói, nấu nồi bánh tét, bánh chưng. Khói bếp quyện vào không gian lan tỏa vào khắp xóm nhà thật là ấm cúng. 

 

Quốc lộ 19C từ khi hoàn thành đã thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của hàng vạn hộ dân thuộc 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh cũng như các huyện khác thuộc các tỉnh lân cận. Đường mở ra thông thoáng, nhà cửa, quán xá mọc lên. Đón Tết năm nay, các địa phương đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng vừa tạo mỹ quan vừa đảm bảo ánh sáng và an ninh trật tự trên tuyến để nhân dân đi lại đón Tết vui tươi, an toàn.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek